Tình cảm nồng hậu của đạo diễn Roman Carmen đối với Việt Nam

Chiến thắng của nhân dân Việt Nam mùa xuân năm 1954 tại Điện Biên Phủ trước quân đội của thực dân Pháp đã chứng minh cho cả thế giới thấy chủ nghĩa anh hùng của Việt Nam vì độc lập và tự do của mình. Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng hy vọng của tất cả các dân tộc bị nô lệ và áp bức. Liên Xô hết sức vui mừng đón nhận tin vui này.

Và để ghi lại một cách trực quan chủ nghĩa anh hùng và những chiến công của dân tộc anh em, một nhóm các nhà làm phim Liên Xô gồm ba người đã sang Việt Nam: nhà làm phim tài liệu nổi tiếng, đạo diễn Roman Carmen và hai cộng sự của ông - nhà quay phim Evgeny Mukhin và Vladimir Eshurin.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà làm phim Liên Xô tại chiến khu Việt Bắc.

Xem thêm: 'Bạch mã hoàng tử' của Tây Du Ký: Cuộc đời nhiều thăng trầm với 3 lần kết hôn

…Mỗi cảnh quay đều ghi lại những sự kiện, những con người cụ thể, đồng thời họ đã cùng nhau tạo nên bức tranh tổng thể về cuộc kháng chiến, thể hiện đất nước và nhân dân ở một thời khắc quan trọng của lịch sử dân tộc. Đó là những cuộc tấn công anh dũng của du kích, việc từng bước thiết lập cuộc sống hòa bình ở thành phố, những sự biến đổi ở nông thôn, hình ảnh các đơn vị Quân đội Nhân dân Việt Nam tiến vào Hà Nội, trại tù binh Pháp và nhiều sự kiện khác.

Quá trình thực hiện bộ phim này có sự hỗ trợ to lớn của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Đó là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp và các nhà hoạt động văn hóa của Việt Nam: Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi.

Ấn tượng khó phai mờ nhất đối với Roman Carmen và các đồng nghiệp Liên Xô là cuộc gặp với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nơi ở của Người, ngôi nhà tre hai tầng: "Một người mặc bộ quần áo bình thường bằng chất liệu cotton màu nâu khoét cổ áo sâu của Việt Nam bước ra gặp chúng tôi và nói bằng tiếng Nga thành thạo: "Xin chào các đồng chí!". Tôi đã bị ấn tượng bởi sự khiêm tốn, vô cùng thân thiện và tư duy logic rõ ràng, khả năng nắm bắt bản chất vấn đề một cách nhanh chóng của Người… Chủ tịch Hồ Chí Minh hứa giúp đỡ chúng tôi, nhưng nhất quyết không muốn để chúng tôi đi xe vào ban ngày, mặc dù chúng tôi đảm bảo rằng mình là những nhà báo giàu kinh nghiệm, đã quen làm việc ở mặt trận trong những năm chiến tranh Vệ quốc".

Roman Carmen thường tìm đến Chủ tịch Hồ Chí Minh để xin sự giúp đỡ, lời khuyên thiết thực và luôn nhận được sự hồi đáp. Chủ tịch nước thường nói về tình cảm của nhân dân Việt Nam đối với Liên Xô và những người đại diện của đất nước Xôviết. Tại Việt Nam, Roman Carmen đã làm quen và kết bạn với Tố Hữu và Nguyễn Đình Thi, là những người mà ông vẫn duy trì mối liên hệ bạn bè thân thiện và chặt chẽ cả trong sáng tác suốt những năm sau này của cuộc đời ông. Những lá thư của Roman Carmen đã khẳng định tình bạn này.

Như trong bức thư gửi Tố Hữu (ngày 16/8/1954), ông viết rất chi tiết về việc quay phim và những chuyến đi ở Việt Nam, đến các tỉnh Nam Định và Thanh Hóa. Trong thư cũng có những sự kiện và chi tiết cụ thể: "Chúng tôi đang làm việc nhiều. Mới hôm qua còn có một sản phẩm đã được gửi về Moscow - khoảng 6.000m phim. Bây giờ chúng tôi đang bắt đầu những cảnh quay chiến sự, chúng tôi đang cố gắng sớm hoàn thành việc quay phim ở Việt Bắc để rảnh tay trước khi tới Hà Nội, nơi đang chờ đợi những sự kiện lớn hấp dẫn liên quan đến việc tiếp quản Thủ đô. Tôi sắp hoàn thành bài phóng sự dài đầu tiên của mình cho "Báo Văn hóa". Moscow đã giục giã chúng tôi bằng những bức điện tín yêu cầu viết bài. Độc giả Liên Xô của chúng tôi muốn được nhìn thấy Việt Nam, được nghe lời nói sống động. Những dòng thông báo khô khan chính thức thì không thể làm dịu sự khao khát vô cùng của người dân Xôviết được tìm hiểu về cuộc sống của đất nước Việt Nam xa xôi mà gần gũi". Chính những lời này đã thể hiện sứ mệnh chủ đạo mà các nhà làm phim Xôviết được kêu gọi thực hiện ở Việt Nam.

…Các nhà quay phim và đạo diễn Việt Nam đã làm việc cùng các nhà làm phim Liên Xô và bộ phim "Việt Nam" (tên phim phiên bản tiếng Nga) không chỉ trở thành trường đào tạo kỹ năng chuyên môn tuyệt vời mà còn đánh dấu sự khởi đầu cho sự hợp tác lâu dài và hiệu quả giữa các nhà làm phim của hai nước. Cùng với các nhà làm phim Liên Xô đã quay lại hiện thực cuộc chiến đấu và cuộc sống lao động của đất nước còn có Nguyễn Hồng Nghi, Phạm Văn Khoa, Nguyễn Tiến Lợi, Mai Lộc, Nguyễn Khánh Dư, Nguyễn Khắc Lợi, Nguyễn Đăng Bái, Bùi Đình Hạc, Nguyễn Đắc và các nhà quay phim cùng nhân viên kỹ thuật Việt Nam khác, sau này họ đã trở thành những bậc thầy nổi tiếng của nền điện ảnh nước nhà.

Khi các nhà làm phim Liên Xô đến Việt Nam vào cuối tháng 6/1954, các hoạt động chiến sự chính và chiến dịch quân sự tại Điện Biên Phủ đã kết thúc. Vì vậy, trong phiên bản cuối cùng của phim đã sử dụng những đoạn phim thời sự chiến tranh do các nhà quay phim của Quân đội Nhân dân Việt Nam từng quay - đó là cảnh các chiến sĩ Việt Nam bắn hạ máy bay của đế quốc Pháp, tấn công một đoàn tàu chở lính Pháp... và một số cảnh đã được dựng lại một cách nghệ thuật.

Ngoài ra, người Việt Nam còn chế tạo ngay trong rừng những thiết bị đặc biệt từ tre, giống như những giàn giáo để đoàn làm phim có thể quay toàn cảnh. Các cảnh chiến trận của chiến dịch Điện Biên Phủ được dựng lại, sử dụng hàng nghìn chiến sĩ quân đội. Những cảnh quay trong trại tù binh Pháp cũng như cảnh những binh lính Pháp cuối cùng rời khỏi Thủ đô của Việt Nam qua cầu Long Biên đều rất ấn tượng.

Xem thêm: Clip hàng chục người kéo ô tô từ hồ Định Công lên bờ được khen ngợi

Đối với khán giả xem phim ngày nay, trước hết là người Việt Nam, nhiều nhân vật quan trọng của nhà nước dân chủ nhân dân Việt Nam non trẻ đã được khắc họa trong phim mang giá trị đặc biệt. Đó là các bác sĩ Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di, Đặng Văn Ngữ, Thiếu tướng Vương Thừa Vũ, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng…

Một thành quả khác trong công việc của Roman Carmen ở Việt Nam là cuốn sách "Ánh sáng trong rừng sâu". Ông đã gửi bản đầu tiên tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, kèm theo những lời như sau:

"Thưa đồng chí Hồ Chí Minh kính yêu!

…Cuốn sách "Ánh sáng trong rừng sâu" đã được in, với sự xúc động và vui mừng tôi xin gửi sách đến các bạn Việt Nam của mình.

Xin dành tặng những con người Việt Nam trong sáng, cao quý, những chiến sĩ đấu tranh vì tự do và những người lao động thành quả khiêm tốn này của một nhà báo hết lòng yêu đất nước của Người, yêu dân tộc Việt Nam.

…Tôi tin chắc rằng sẽ có lúc tôi trở lại thăm Việt Nam và viết thêm những chương mới cho cuốn sách về những thắng lợi mới của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì hạnh phúc, hòa bình và thống nhất đất nước".

Người thứ hai nhận được cuốn sách này là Nguyễn Đình Thi, Carmen đã gửi tới ông những lời sau: "Thi, người anh em thân mến, người bạn thân thiết của tôi!

Tôi gửi tới bạn cuốn sách "Ánh sáng trong rừng sâu" mới được xuất bản gần đây. Tôi đã đặt vào thành quả khiêm nhường này của mình những tình cảm yêu thương tốt đẹp nhất của mình đối với Việt Nam, đối với những con người tuyệt vời của Việt Nam. Tôi mong đợi những lời nhận xét nghiêm khắc của các bạn, tôi hy vọng rằng sự phê bình như vậy sẽ giúp tôi hiểu rõ đất nước hơn và trong những lần xuất bản tiếp theo, sẽ sửa chữa được nhiều thiếu sót chắc chắn là có trong cuốn sách.

Mỗi khi gặp những người bạn Việt Nam, tôi đều hỏi thăm về bạn, về sức khỏe của bạn, về công việc của bạn. Tôi nhớ bạn, người bạn thân thiết của tôi, tôi yêu quý bạn bằng cả trái tim và tôi mong muốn bạn được khỏe mạnh và hạnh phúc, hai bé con tuyệt vời của bạn sẽ trưởng thành và mạnh mẽ.

Tôi ôm bạn và hôn bạn thật nhiều".

Sau khi bộ phim "Việt Nam" ra mắt, Roman Carmen tiếp tục nhận được những bức thư từ đất nước châu Á xa xôi, nhưng đặc biệt ông thường thích đọc lời nhắn gửi từ người đồng nghiệp Việt Nam của mình: "Bạn đã đi bộ hàng chục cây số để thu thập những tài liệu hay. Bạn và các đồng chí của mình đã làm việc ngày đêm để tìm ra cách có thể phản ánh chân thực nhất về cuộc đấu tranh của dân tộc chúng tôi. Những khó khăn, những cơn mưa rào, sự thiếu thốn phương tiện đi lại - tất cả những điều này đã không làm nhụt ý chí của bạn, ý chí của đồng đội mình, ý chí sắt đá của nhân dân Xôviết".

Những dòng trên thể hiện sự đánh giá cao nhất về thành tích sáng tạo của các nhà làm phim Liên Xô Roman Carmen, Evgeny Mukhin và Vladimir Eshurin.

(Trích bài viết của Anatoly Sokolov)