Người trẻ tìm đến sách để nâng cấp bản thân

Đọc sách đem lại nhiều ích lợi là điều không cần bàn cãi. Như Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa từng nói: "Sách là kho tàng tri thức của nhân loại, là người thầy cung cấp cho chúng ta nguồn tri thức vô tận, nuôi dưỡng tâm hồn, cốt cách, dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới các giá trị nhân văn, chân, thiện, mỹ cao đẹp".

Với đa dạng hình tướng, thể loại như hiện nay, trải nghiệm đọc với độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ, ngày càng đa dạng và phong phú. Với họ, việc đọc sách cũng đem lại nhiều ý nghĩa đặc biệt bên cạnh bồi đắp kiến thức cho bản thân.

Chia sẻ với Tri thức - Znews, 3 độc giả trẻ kể về thói quen, sở thích đọc cũng như ý nghĩa của những cuốn sách đem lại cho họ.

Xem thêm: Thành phố nhỏ nhất Việt Nam đón gần 1 triệu lượt khách dịp nghỉ lễ

Được tự do sống một cuộc đời khác
Hương Sang (19 tuổi, Hà Nội)

Tôi nhớ vào hè năm lớp 11, đó là một đêm bão to, vì ảnh hưởng của cơn bão quá lớn nên các thiết bị điện tử bị cắt sóng. Tôi không thể tiếp tục lướt điện thoại, nên thử tìm lại mấy cuốn sách từng mua nhưng chưa có dịp đọc. Rồi tôi bị cuốn theo tác phẩm Hóa thân (F. Kafka) cả đêm không ngủ được, tôi đọc thâu đến sáng và bị ám ảnh về cuốn sách đó những ngày sau ấy...

Hiện, tôi đọc sách khoảng 1 tiếng/ngày, linh hoạt phụ thuộc vào thời gian rảnh, nếu không có quá nhiều công việc thì sẽ nhiều hơn, khoảng hơn 2 tiếng, thậm chí là 3 tiếng. Tôi thích đọc các tuyển tập thơ, nhưng dành nhiều thời gian nhất là cho các tuyển tập truyện ngắn.

Tôi nhận thấy mình nhận được nhiều thứ hơn chỉ là tri thức từ sách: được thư giãn, giải trí khi theo dõi hành trình của các nhân vật trong truyện ngắn; được có không gian riêng - không gian của thế giới tưởng tượng; được tự do sống một cuộc đời khác với những khả thể khác ngoài cuộc sống của mình; được bồi đắp tình cảm: tiếp cận thường xuyên với sách từ khi còn nhỏ nên tôi thấy mình nhạy cảm hơn các bạn khác.

Sách cũng đã giúp tôi hình thành những trạng thái cảm xúc rất đẹp, tinh tế hơn khi cảm nhận thế giới xung quanh; giúp tôi có thêm những người bạn: lên đại học, ở môi trường mới, lạ lẫm, thứ giúp tôi “kết nối” tìm kiếm bạn bè là những cuốn sách cùng yêu thích, từ đó cùng tham gia nghiên cứu khoa học về những tác phẩm đó.

Xây dựng thế giới quan từ các góc nhìn khác khau
Đăng Dương (25 tuổi, Hà Nội)

Tôi hay đọc thể loại phi hư cấu, đa số các sách mảng xã hội - nhân văn như về triết học, nhân chủng học, xã hội học, truyền thông. Bên cạnh đó, tôi cũng đọc cả văn học, đa số là kinh điển.

Các tác phẩm này giúp tôi xây dựng thế giới quan từ các góc nhìn khác nhau. Chúng thay đổi rất nhiều thế giới quan của tôi, về cách tôi nhìn nhận cuộc sống và các mối quan hệ xã hội, dường như cho tôi một lăng kính mới để tiếp cận cuộc sống.

Tôi còn nhớ quyển sách đầu tiên đánh dấu sự đọc của mình là quyển Phía nam bên giới, phía tây Mặt trời của Haruki Murakami. Đó là tác phẩm giúp tôi nhìn thấy văn chương có thể là như thế nào, và nó có thể truyền tải được những gì. Trước đó, tôi chỉ đọc các tác phẩm người trẻ hoặc hư cấu kỳ ảo. Đọc xong tác phẩm đó, tôi đã đi sâu hơn vào việc đọc và chủ động tìm kiếm các tác giả lớn hơn để đọc.

Giúp nâng cao giá trị bản thân
Bình Quyên (34 tuổi, TP.HCM)

Tôi đọc sách hầu như mỗi ngày và đọc nhiều thể loại: văn học hiện đại, sách trinh thám, sách về tâm lý, sách "chữa lành".

Mẹ tôi là người thích đọc. Vì vậy, khi tôi còn nhỏ đã quen nhìn thấy tủ sách của mẹ. Thói quen đọc sách của tôi cũng được hình thành từ đó. Khi có nhà riêng của mình, kệ sách là vật đầu tiên tôi muốn mua và đó cũng là tài sản vô giá của riêng tôi. Đó cũng là nguồn cảm hứng để tôi duy trì thói quen đọc đến ngày hôm nay.

Đối với tôi, đọc sách là một niềm vui, là cách để tôi thư giãn sau một ngày làm việc. Đôi khi, chỉ cần nhìn ngắm sách trên kệ là tôi đã thấy vui và hạnh phúc. Việc đọc sách còn làm cho tôi thấy giá trị bản thân được nâng lên mỗi ngày một ít. Bản thân tôi cũng sẽ cảm thấy tự tin hơn.

Xem thêm: Bắt Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái

Ánh Hoàng

Ảnh: NVCC