Xanh mát một vùng núi non

Xã Hoàng Nông (Đại Từ) sở hữu nhiều đồi chè đẹp.

Niềm vui trên nương chè

Sáng sớm, sương vẩn vơ quanh các nếp nhà. Nắng mới lên, trời trong nhưng mấy đám mây buổi sớm vẫn sà thấp trên lưng đồi chè. Cả một vùng Hoàng Nông tràn ngập trong bầu không khí tươi mát. Phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi thấy những đồi chè bát úp đang tắm mình trong sương sớm. Những đồi chè xanh nối tiếp nhau, rồi lại gối mình lên chân dãy Tam Đảo, tạo ra một không gian khoáng đạt, ngút tầm mắt. Núi Tam Đảo như một nét gạch nối giữa màu lá non của những búp chè với nền trời xanh, lảng bảng mây trắng. Tất cả tạo ra một khung cảnh vừa hùng vĩ, lại rất thơ.

Xem thêm: Trải nghiệm Hội sách tại không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm

Lên đồi chè vào buổi sớm mai trong lành, tâm trạng bà Trịnh Thị Tự, ở xóm Cầu Đá, cũng vui vẻ hơn. Vừa đi, bà vừa ngân nga vài câu thơ tự sáng tác: “Chè này chè sạch chè xanh/Chè ngon Cầu Đá, Hoàng Nông, Đại Từ/Du khách xa gần nhớ mãi không quên…”

Bà Tự năm nay 68 tuổi, ngót một đời gắn bó với cây chè. Bà kể: Cây chè có mặt ở đất Hoàng Nông từ nhiều đời. Khởi đầu với giống chè trung du được người dân trồng làm thức uống hằng ngày, rồi được bà con chế biến thành chè búp khô mang ra chợ bán. Đến nay, chúng tôi trồng các giống chè lai, sản lượng cao, chất lượng búp đồng đều lại cho ra thành phẩm có hương thơm, vị ngọt đặc trưng. Chè từ vị thế là cây bản địa đã vươn lên trở thành cây trồng mũi nhọn của địa phương, trong xóm có nhiều hộ giàu lên nhờ chè.

Đang hái chè ở cạnh đó, bà Nguyễn Thị Tuyến, cũng góp lời: Như nhà tôi có hơn 1 mẫu chè, đã chuyển hoàn toàn sang giống chè lai LDP1 từ chục năm nay. Sản phẩm làm ra, tôi bán búp tươi cho hợp tác xã, giá cao thấp tùy thời điểm, nhưng bình quân cũng đạt trên 20 nghìn đồng/kg, đủ để lo kinh tế cho cả gia đình và có chút dư dả.

Nông dân Hoàng Nông thu hái chè.

Cũng dựa vào tiềm năng, thế mạnh từ cây chè, nhiều hộ dân ở xã Hoàng Nông đã mạnh dạn liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã trồng, sản xuất và chế biến chè, tạo ra nhiều sản phẩm chè chất lượng, có giá trị kinh tế cao. Tiêu biểu có thể kể đến như: Hợp tác xã chè Hoàng Nông, Hợp tác xã chè Cầu Đá…

Xem thêm: Nhóm bạn sinh viên đưa ẩm thực Việt vào đồ án game

Chị Nguyễn Thị Tuyến, Giám đốc Hợp tác xã chè Hoàng Nông, chia sẻ: Mỗi năm, Hợp tác xã sản xuất khoảng 1 tấn chè búp khô. Tùy sản phẩm, chè khô có các mức giá khác nhau. Thấp thì đạt 200-250 nghìn đồng/kg, loại ngon hơn có giá 300-350 nghìn đồng/kg. Cá biệt có các loại trà đặc sản chúng tôi có thể bán với giá cả triệu đồng/kg.

Cũng theo lời chị Tuyến, chỉ cách đây vài năm, chè Hoàng Nông bán với giá rất rẻ, 120-130 nghìn đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với vùng chè La Bằng ở lân cận. Nguyên nhân là do bà con chưa biết chăm sóc, chế biến đúng kỹ thuật. Đến nay, với sự ra đời của các hợp tác xã và sự hỗ trợ của địa phương, thành phẩm chè Hoàng Nông làm ra đã đạt được các tiêu chuẩn kỹ thuật. Bà con cũng chú trọng chăm sóc cây chè theo các phương pháp an toàn nên giá trị sản phẩm chè đã tăng gấp đôi, gấp ba lần.

“Gõ cửa” tiềm năng

Mấy mươi năm nay, hơn 90% hộ dân ở Hoàng Nông vẫn sống nhờ cây chè. Đây gần như là cây trồng có vị thế độc tôn ở vùng núi non này. Để nâng cao giá trị cây chè, trong những năm qua, chính quyền xã Hoàng Nông đã tích cực chỉ đạo đưa các giống chè mới, chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ người dân liên kết sản xuất chè an toàn, xây dựng các sản phẩm có thương hiệu trên thị trường. Đến nay, trong tổng số 494ha chè của toàn xã, có 135ha chè được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, các diện tích còn lại cũng được bà con canh tác theo phương thức mới, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Toàn xã Hoàng Nông hiện có 4 làng nghề, 5 hợp tác xã chè đang hoạt động hiệu quả.

Ông Nguyễn Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông, thông tin: Người dân địa phương giàu kinh nghiệm làm chè và họ cũng có đời sống tương đối ổn định nhờ cây chè. Vì vậy, khi chúng tôi mong muốn đưa các cây trồng, con giống hay lĩnh vực kinh tế mới vào xã để tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, không nhiều người mặn mà.

Dù khó nhưng với nỗ lực của địa phương và sự chủ động của người dân, Hoàng Nông đã có những bước đi đầu tiên. Đó là diện tích cây ăn quả như: bưởi, nhãn, vải, cam… ngày càng được mở rộng và đến nay đã đạt 40ha, hình thành nên một vùng cây ăn quả trù phú ngay dưới chân dãy núi Tam Đảo. Đó còn là những người trẻ mạnh dạn “bỏ phố về rừng” để xây dựng homestay, kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng bên những đồi chè.

Suối Cửa Tử, địa chỉ hấp dẫn du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Bạn Dương Linh Đan, Chủ Homestay Cửa Tử Linh Đan, ở xã Hoàng Nông, chia sẻ: Từ khi còn bé, tôi đã thấy cảnh sắc quê hương mình rất tươi đẹp. Ở Hoàng Nông vừa có dãy Tam Đảo hùng vĩ, có dòng suối Cửa Tử trong mát, có đồi chè xanh ngát lại thêm văn hóa đặc sắc của các dân tộc. Sau này lớn lên, được đi đến nhiều nơi, tôi nhận thấy cảnh sắc quê hương không chỉ tươi đẹp mà còn giàu tiềm năng phát triển du lịch. Do đó, tôi đã xây dựng homestay và phát triển thêm các dịch vụ trekking suối Cửa Tử, trải nghiệm văn hóa dân tộc Dao để thu hút du khách. Dù mới hoạt động được khoảng 1 năm nhưng hình thức du lịch này thu hút khá nhiều gia đình, đặc biệt là các bạn trẻ đến tham quan, trải nghiệm.

Tuy vậy, Linh Đan cũng chia sẻ thêm: Ở Hoàng Nông mới manh nha một số mô hình du lịch. Các mô hình đều hoạt động độc lập, gần như không có sự liên kết, việc quảng bá đa phần do chúng tôi “tự thân vận động”, vì vậy, hiệu quả thu hút du khách chưa thực sự cao.

Với cảnh sắc được thiên nhiên ưu đãi, vùng khí hậu trong lành cũng những đồi chè xanh mát, Hoàng Nông hội tụ đủ các yếu tố để phát triển kinh tế tổng hợp, kết hợp giữa vùng chè đặc sản, cây ăn quả và du lịch. Với việc khai thác tiềm năng mới chỉ dừng lại ở mức “gõ cửa” như hiện nay, Hoàng Nông còn nhiều dư địa để khai khác. Đây vừa là cơ hội, đồng thời cũng là bài toán thách thức địa phương tìm lời giải.

Mai An