Trưng bày chuyên đề 'Kỷ vật - Ký ức của chiến tranh'

Các đại biểu tham quan chuyên đề.

Đây là sự kiện nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2024), 94 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2024).

Chuyên đề “Kỷ vật - Ký ức của chiến tranh” lần này tiếp nối của chuyên đề phần 1 được trưng bày năm 2013. Với 93 hiện vật cùng 60 hình ảnh, phần 2 bổ sung những tư liệu, hiện vật Bảo tàng tiếp tục nghiên cứu thời gian qua với các chuyên đề nghiên cứu về phụ nữ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, nữ thanh niên xung phong trên tuyến đường 1C, nữ giao liên. Họ là những người mẹ, người vợ, nữ chiến sĩ từng trực tiếp tham gia chiến đấu. Mỗi kỷ vật tái hiện lại quá trình chiến đấu đầy cam go, gian khổ, là kỷ niệm về những khoảnh khắc thiêng liêng họ đã trải qua.

Xem thêm: Hàng triệu bé gái làm mẹ khi chưa đủ 18 tuổi

Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (Quận 3) cho biết, chuyên đề “Kỷ vật - Ký ức của chiến tranh” phần 2 nhằm thành kính tưởng nhớ đồng bào, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, nữ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ, gia đình có công với nước, cựu chiến binh, thanh niên xung phong ở mọi miền đất nước. Những người đã cống hiến xương máu, công sức, tài sản cho cuộc kháng chiến cứu nước, lập nhiều chiến công oanh liệt, viết nên trang sử hào hùng Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Là người có kỷ vật trưng bày tại chuyên đề, bà Nguyễn Minh Hạnh (70 tuổi) xúc động khi nhớ lại kỷ niệm về chiếc khăn tay tự mình thêu. Đây là chiếc khăn được bà thêu từ năm 1969. Khi đó bà là Bí thư Đoàn Thanh niên và phụ trách nữ công Tổ Phụ nữ Xưởng in Cơ yếu khu Tây Nam Bộ. Bà phát động viết thư và thêu những chiếc khăn tay gửi bộ đội như lời động viên khích lệ các anh chiến đấu ở mặt trận. Cho đến giờ, chiếc khăn tay này gắn liền với tuổi trẻ, thanh xuân và các hoạt động cách mạng của bà.

Chuyên đề thu hút các học sinh đến tham quan, tìm hiểu.

“Tôi giữ nó như báu vật của mình, lâu lâu lại lấy ra ngắm nghía. Những tấm khăn thêu ngày xưa gửi các chiến sỹ lúc nào cũng có hình nhành hoa và cặp chim bồ câu, tượng trưng cho khát vọng của hòa bình, đoàn tụ, sum họp”, bà Nguyễn Minh Hạnh chia sẻ.

Xem thêm: Đi Giữa Trời Rực Rỡ tập 42: Chải nhắc gì đến Pu mà khán giả nản lòng toàn tập?

Chuyên đề diễn ra đến hết ngày 31/12.

Tin, ảnh: Thu Hương (TTXVN)