Tìm an yên trên 'hòn ngọc' Núi Sam

Sinh sống xung quanh di tích tôn giáo này, từ người lớn đến trẻ nhỏ địa phương quá quen thuộc với cảnh du khách xa gần “lên lên xuống xuống” chùa Hang. Nhịp sống của họ phụ thuộc vào việc mua bán thức ăn, nước uống, đồ lưu niệm, giữ xe cho khách. Những hôm vắng khách, không gian trở nên yên tĩnh, mấy đứa trẻ thoải mái chơi đùa dưới bậc thang.

Chùa Hang là một trong 4 di tích lịch sử văn hóa quốc gia được khai sơn vào mùa thu năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), đánh đấu bằng sự kiện tỳ kheo ni Thích nữ Diệu Thiện (vị tỳ kheo ni đầu tiên của vùng đất Nam Bộ, thuộc dòng thiền Vân Môn) đến ẩn tu trong hang đá ở núi Sam.

Sau nhiều đời hòa thượng trụ trì, nhiều lần trùng tu, sửa chữa, xây cất, năm 1999, nhiều hạng mục lớn của ngôi chùa được hoàn thành, như: Thiền Đường, Giảng Đường, Tạng Kinh Các, Ngũ Quán Đường, Di Đà Bửu Điện, Bát Nhã Đường, Quán Âm 3 mặt trên hồ…

Xem thêm: Bắc Giang: 7 thí sinh đoạt giải Quán quân 'Tìm kiếm tài năng nhí' năm 2024

Giờ đây, chùa Hang nổi danh với cảnh đẹp thanh tao, thoát tục, tổng thể hài hòa, thanh thoát, uy nghi, cổ kính và độc đáo, với 44 hạng mục tham quan và chiêm bái. Có câu rằng: Nếu đến núi Sam mà không đến chùa Hang, coi như chưa đến núi.

Chùa Hang khác biệt trong lối kiến trúc, đường lối tu tập sinh hoạt của chư tăng, tạo nên một sự “ẩn dật” thanh cao. Không mang tính chất “lánh đời, trốn thế”, ngược lại ngôi chùa góp phần đem đạo vào đời một cách tinh tế, trở thành địa điểm tâm linh nổi bật.

Trải qua bao cuộc thăng trầm của lịch sử, chịu biết bao thử thách của thời gian, chùa Hang tồn tại vẹn nguyên đến ngày nay. Điều đó minh chứng cho những dấu ấn, giáo pháp đặc biệt, chú trọng chuyển hóa con người, cải tạo xã hội theo hướng chân - thiện - mỹ, gìn giữ giá trị di tích văn hóa của tiền nhân.

Từ trên chùa Hang nhìn xuống, ngày nay vẫn mênh mang ruộng lúa và vùng trời biên cương Tổ quốc, dù rằng nhịp sống hiện đại thay đổi từng ngày.

Cảnh quan hòa hợp với thiên nhiên, bao phủ bởi sự sống trên từng ngọn cỏ, chùm hoa, bởi những tĩnh lặng của từng kiến trúc, khiến du khách đến đây cũng tự giác khẽ bước nhân, nhẹ lời nói, đưa chính mình vào thanh tịnh.

Đúng như tên gọi được Hòa thượng Thích Huệ Thiện (trụ trì chùa đời thứ 2, từ năm 1925 - 1986) đã đặt, phước là phước lành, điền là điền địa (ruộng đất). Phước Điền có thể hiểu đơn giản là mảnh đất gieo trồng phước lành, là nơi đại diện cho sự thiện lương và thanh tịnh để khách thập phương tìm về.

Xem thêm: An táng phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa-Đảo Yến

Cả ngôi chùa, từ sườn núi đến hang đá đều thấm đẫm trang nghiêm, an lạc với tượng Phật Thích Ca gương mặt phúc hậu, nhiều tượng Phật, chú tiểu lớn nhỏ, tạo cảm giác yên bình vô cùng. Nếu đang gặp vướng mắc trong cuộc sống, trong thế tục, hãy một lần tìm đến chùa Hang, để lắng lòng mình lại, chạm vào bình yên nơi đây, để thấu hiểu thêm sự hòa quyện giữa đạo và đời ở lưng chừng núi.

VẠN LỘC