Phụ nữ mang thai nên tham gia môn thể thao nào, tần suất bao nhiêu?

Hoạt động thể chất không chỉ quan trọng với thai phụ mà cần thiết với tất cả mọi người. Tuy nhiên con người thường có xu hướng tập trung vào hoạt động tinh thần và bỏ qua các hoạt động thể chất. Điều này sẽ khiến cơ thể không được cân bằng.

Với các thai phụ, thường được khuyến cáo không nên hoạt động nặng, nhưng không có nghĩa là không thực hiện bất cứ các hoạt động hay vận động trong sinh hoạt hằng ngày. Việc không vận động sẽ gây ra rất nhiều vấn đề về sức khỏe cả trong quá trình mang thai và nuôi dạy con cái sau này.

Với những mẹ bầu có thói quen vận động từ xưa thì các bạn có thể chơi rất nhiều môn miễn là các môn đấy mang tính chất tĩnh cho vùng lõi của cơ thể - vùng bụng

Xem thêm: McLaren 720S Spider bạc tỷ, 'siêu lướt' của hoa hậu quý bà rao bán

Theo Ths.BSCKII Tạ Việt Cường, Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, với những mẹ bầu có thói quen vận động từ xưa thì các bạn có thể chơi rất nhiều môn miễn là các môn đấy mang tính chất tĩnh cho vùng lõi của cơ thể - vùng bụng.

“Chẳng hạn, nhiều người chọn môn bơi, bởi nước sẽ nâng đỡ rất nhiều vào phần lõi của cơ thể do đó em bé không chịu tác động quá nhiều. Khi bơi, lực hút của trái đất theo phương ngang, chính vì thế nó hạn chế rất nhiều nguy cơ liên quan đến sảy thai, đẻ non. Ngoài ra 1 số bạn cũng có thói quen tập yoga, hay tập gym. Tất cả môn mà không gây ra rung lắc đến vùng sàn chậu của người phụ nữ, đều khuyến cáo là có thể áp dụng được”, BS Cường cho biết.

Tuy nhiên với những người đang mang thai và mới bắt đầu thử một số bộ môn thể thao sẽ gây ra rất nhiều khó khăn.

Xem thêm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm hội kiến Chủ tịch Quốc hội Cuba

“Do đó tôi muốn nhấn mạnh rằng tất cả chị em phụ nữ trước khi mang thai nên trang bị cho mình một môn thể dục hoặc thể thao để có thể cân bằng về tinh thần cũng như hoạt động cơ thể, BS Cường khuyên.

Trong khi tập luyện, phụ nữ mang thai cũng cần chú ý đến tần suất hoạt động của mình. Với một VĐV chuyên nghiệp, khi chưa mang thai, họ có thể tập luyện 1 ngày 2 cữ vào sáng và chiều. Tuy nhiên khi có bầu, nên giảm đi 1 cữ.

Với những bạn chưa có thói quen vận động thể thao, thì việc lắng nghe cơ thể là điều cần thiết.

Ths.BSCKII Tạ Việt Cường, Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội

“Khi thai phụ tham gia các hoạt động thể chất, nếu xuất hiện các dấu hiệu liên quan đến đau bụng, đau bụng vùng hạ vị, và nhất là khi tử cung có hiện tượng co cứng thì lúc đó thai phụ nên dừng lại việc tập luyện thể thao. Thứ 2 là hiện tượng ra máu, nước, đó là dấu hiệu liên quan đến việc dọa sảy thai, dọa đẻ non. Lúc đó bạn cần nằm im và nghỉ ngơi”, BS Cường nói.

Theo BS Cường, tùy vào từng giai đoạn thai kỳ, các hoạt động thể chất cũng thay đổi về cường độ. Khi thai kỳ và tử cung còn nhỏ các hoạt động thể chất chưa gây ra tác động nhiều. Chẳng hạn như khi thai dưới 12 tuần, hoạt động thể chất sẽ không làm cho thai phụ khó chịu nhiều, bởi vì tử cung còn nhỏ. Tuần tuổi thai lớn dần, tử cung sẽ cao dần lên, ví dụ như hết quý thứ 2 là hết 24 tuần, tử cung đã lên trên 20 cm, khi tử cung càng to thì vận động của mẹ bầu sẽ càng hạn chế.

Chuyên gia sức khỏe khuyến cáo, trong trường hợp chị em phụ nữ mang thai mà có dấu hiệu dọa sảy thai, dọa đẻ non, hay tiền sử các bệnh lý về nội khoa, bệnh lý tim, phổi hay huyết áp thì chỉ vận động ở mức độ vừa đủ, vẫn thực hiện được các hoạt sinh hoạt hằng ngày nhưng không nên thực hiện hoạt động thể chất gắng sức.

Nguyễn Hà/VOV.VN