Phở đỏ 'treo gió' ở Hà Giang chế biến kỳ công, ăn cùng thịt gà đồi thơm ngọt

Phở đỏ “treo gió” là một trong những món ăn đặc sắc ở vùng đất Xín Mần (phía tây tỉnh Hà Giang), không chỉ gây ấn tượng bởi tên gọi mà còn hấp dẫn từ hình thức đến mùi vị, khiến bất kỳ thực khách nào ăn một lần cũng khó quên.

Anh Phạm Phong Ba (40 tuổi) – chủ quán phở Xín Mần trên đường Nguyễn Trãi, TP Hà Giang cho biết sở dĩ món ăn có tên gọi thú vị trên là do xuất phát từ việc sử dụng các loại nguyên liệu độc đáo, kết hợp với quá trình chế biến kỳ công.

Phở đỏ Xín Mần là một trong những món đặc sản nức tiếng Hà Giang

Xem thêm: Sen Tây Hồ, nồng nàn hương Hà Nội

Theo anh Ba, điểm nổi bật dễ thấy nhất của món phở đỏ Xín Mần chính là bánh phở. Bánh phở ở đây được làm thủ công từ gạo đỏ (còn gọi là gạo huyết rồng) và gạo trắng do chính người dân bản địa trồng nên có màu sắc và hương vị riêng.

Gạo được trộn với lượng phù hợp, có thể thay đổi linh hoạt để màu sắc bánh phở đậm hoặc nhạt tùy ý, nhưng không vượt quá tỉ lệ 1:5 (1 phần gạo đỏ, 5 phần gạo trắng). Gạo sau khi ngâm khoảng 5 tiếng thì đem xay và lọc lấy phần bột để tráng.

Gạo được trộn theo tỉ lệ phù hợp, từ đó tạo nên phần bánh phở dai mềm, có màu đỏ đặc trưng

Bánh được tráng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công, sau đó treo lên cao.

“Sau nhiều lần thử nghiệm, mình thấy gạo đỏ và gạo trắng trộn theo tỷ lệ 1:7 (1 phần gạo đỏ, 7 phần gạo trắng) sẽ cho ra bánh phở chất lượng hơn cả. Nếu cho nhiều gạo đỏ quá, bánh sẽ bị cứng.

Bánh phở sau khi tráng sẽ được treo trong nhà cho bay hơi nước để đỡ bị nhão và không dính tay, đảm bảo độ dai”, anh Ba cho hay.

Bánh phở được tráng thủ công

Điều thú vị là, bột tráng bánh ban đầu có màu trắng nhưng sau khi hấp lên lại chuyển sang màu đỏ nâu. Bởi vậy, món ăn này được gọi là phở đỏ.

Xem thêm: Hà Nội - 70 năm Thủ đô anh hùng: Xứng đáng với những danh hiệu tự hào

Khi thực khách đến ăn, chủ quán sẽ lấy bánh phở xuống và thái tay. Do bánh được tráng, thái thủ công nên dày và to bản hơn sợi phở trắng thông thường.

Sợi phở thái xong sẽ được trụng vào nồi nước sôi, sau đó vớt ra cho vào bát để đảm bảo độ dai mềm vừa phải.

Bánh sau khi tráng được treo lên cao

Sợi phở đỏ có độ dai mềm, khi chan nước dùng nóng hổi không bị nát hay gãy khi gắp

Anh Ba tiết lộ, phở đỏ Xín Mần thường ăn cùng thịt gà, thay vì thịt bò như các món phở thông thường khác. Bởi gà ở vùng cao được nuôi thả tự nhiên, thịt săn chắc và ngọt thơm, khi kết hợp với phở đỏ sẽ cho hương vị ấn tượng nhất.

“Quán mình chủ yếu sử dụng gà trống thiến. Đây là loại gà có giá trị dinh dưỡng cao và đặc biệt thịt săn chắc, độ dai vừa phải, khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh và mùi thơm tự nhiên”, chủ quán 40 tuổi nói thêm.

Phở đỏ Xín Mần thường ăn kèm thịt gà trống thiến. Giá mỗi suất từ 45.000 đồng

Ngoài các nguyên liệu chính là bánh phở và thịt gà, nước dùng cũng là yếu tố quyết định tới chất lượng món ăn.

Theo anh Ba, nước dùng được chế biến từ xương lợn đen và xương gà, thêm một số loại gia vị như gừng, sả, hoa hồi,… rồi ninh trong khoảng 8-10 tiếng. Nhờ đó, nước dùng không chỉ có mùi thơm hấp dẫn mà còn đậm đà, dậy vị ngọt thanh dễ ăn.

Người Hà Giang thường ăn phở đỏ Xín Mần cùng đậu xị, măng ớt,...

Một điểm nhấn không thể không nhắc đến của phở đỏ Xín Mần là đậu xị (hoặc đậu xí) ăn kèm. Món đậu này được lên men từ đậu tương, hòa quyện vị mặn, cay và hơi nồng. Thực khách mới đầu nếm thử có thể thấy khó ăn nhưng quen rồi sẽ thích thú.

Hiện tại, món phở đỏ “treo gió” độc đáo không chỉ được bán ở huyện Xín Mần mà còn có mặt ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Hà Giang, đáp ứng nhu cầu thưởng thức đa dạng của thực khách.

Ảnh: Phạm Phong Ba

Thảo Trinh