Minh họa/INT
Hai năm qua, cứ mỗi dịp chuẩn bị khai giảng năm học mới, anh Phạm Văn Phú, 40 tuổi ở thôn Long Bàn (xã Tịnh An, TP Quảng Ngãi) lại mang những chiếc xe đạp lên tặng cho học sinh nghèo ở các xã vùng cao trong tỉnh Quảng Ngãi.
Đó là những chiếc xe đạp cũ, được anh Phú tỉ mẩn tân trang lại để thành những chiếc xe “chạy tốt” trước khi giao cho các em học sinh vùng cao.
Xem thêm: Bình Định hỗ trợ nghệ sĩ, nghệ nhân tham gia bảo tồn nghệ thuật truyền thống
Phạm Văn Phú làm nghề sửa xe đạp ở xã Tịnh An - một vùng quê ở ngoại ô TP Quảng Ngãi. Trong lúc sửa xe, thi thoảng anh bắt gặp những người mua bán đồng nát chở theo những chiếc khung xe đạp cũ hoặc một số bộ phận của xe đạp vẫn còn dùng được nếu biết cách.
Lại có lần đi “sửa xe lưu động”, anh Phú chứng kiến có nhiều em học sinh vùng cao, nhất là con em của đồng bào thiểu số vẫn đi bộ đến trường cách nhà 5 - 7km trông rất thương. Mùa Hè thì nóng nực, mùa Đông thì mưa gió nhưng những em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ấy vẫn phải đến trường.
Phú chợt nghĩ “Tại sao mình không mua lại những khung xe cũ, các bộ phận còn dùng được từ những người bán đồng nát về sửa lại rồi tặng các em?”. Suốt hai năm qua, anh Phú đã lặng lẽ làm công việc mang nặng tình thương và nhiều ý nghĩa này.
“Chỉ phải bỏ ra 3 ngày là tôi có thể hoàn thành một chiếc xe đạp “chạy tốt” để tặng các cháu”. Có 60 chiếc xe đạp đã đến với 60 em học sinh nghèo trong hai năm qua từ tấm lòng của anh Phú.
Kinh tế hiện nay đã khá hơn trước rất nhiều nên những chiếc xe đạp đã lui dần vào dĩ vãng. Đó là đối với những gia đình khá giả nhưng vẫn còn một bộ phận không nhỏ là những gia đình nghèo. Để mua được một chiếc xe đạp cho con đi học, với họ là cả một bài toán khó.
Lòng tốt thường gặp nhau. Ở phường Thuận An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ cũng có một người thợ sửa xe đạp như anh Phú. Đó là anh Trần Văn Giàu. Tiệm sửa xe đạp của anh Giàu được người dân ở đây gọi vui là “lò xe đạp”.
Giống cách làm của anh Phú, anh Giàu đi lùng ở các điểm đồng nát để mua lại những chiếc xe đạp cũ chưa kịp “hóa kiếp” về tân trang lại rồi tặng cho các em học sinh nghèo. Hơn 10 năm qua, có hàng trăm chiếc xe đạp “ra lò” từ tiệm sửa xe của anh Giàu.
“Người ta có điều kiện thì tặng nhà cho người nghèo, tui chưa đủ điều kiện như họ nên tặng xe đạp các cháu. Đó cũng là niềm vui vì mình làm một việc có ích cho xã hội” - anh Giàu nói một câu chân chất mà đầy ý nghĩa.
Ở Hà Nội cũng có nhóm mang tên “Người phụng sự”, chuyên tân trang xe cũ để tặng cho trẻ em Hà Giang mỗi mùa khai giảng. Họ là những thanh niên mới ngoài 20 tuổi cho đến những cụ ông, cụ bà 60 - 70 tuổi đã lặng lẽ làm công việc này từ nhiều năm nay.
Anh Phú, anh Giàu và những người trong nhóm “Người phụng sự”, kinh tế của họ hẳn là chưa khá giả vì làm nghề sửa xe đạp thì có đáng gì nhưng họ rất giàu, rất “phú”, như tên gọi của hai anh.
Xem thêm: Hơn 3 triệu người 'nín thở' xem clip người đàn ông lái xe băng qua dòng nước chảy xiết
Cứ mỗi năm, các anh, các cô chú lại “giải phóng” cho đôi chân khỏi phải đi bộ đến trường của hàng chục em nhỏ ở vùng cao, vùng khó khăn. Đây chính là công việc “tiếp sức đến trường” thật có ý nghĩa, cần được nhân rộng.
Trần Đăng
Bình luận