Nhóm bạn sinh viên đưa ẩm thực Việt vào đồ án game

Tái hiện văn hóa vùng miền

‘Mùa kết ngọt’ do nhóm Bông Land, gồm 5 thành viên thực hiện: Phạm Ngọc Tân, Dương Bình Phương Nhi, Nguyễn Lê Thiên An, Phan Minh Kiệt và Nguyễn Anh Thư, đang theo học ngành Thiết kế Mỹ thuật số, trường ĐH Văn Lang (TP. HCM). Nói về ý nghĩa tên nhóm, Minh Kiệt chia sẻ: “Bông Land kết hợp từ loại bánh Bông Lan với chữ 'land' trong tiếng Anh. Thông qua cái tên, tụi mình muốn mang đến một vùng đất ngọt ngào cho mọi người”.

“Mùa kết ngọt” được nhóm lấy cảm hứng từ những game nông trại quen thuộc, đồng thời phát triển thêm yếu tố sáng tạo nhờ việc kết hợp các loại bánh truyền thống của Việt Nam với các loài thực vật, động vật và cả kiến trúc. Trong đó, người chơi sẽ hóa thân thành các cô, cậu chủ nhỏ tiến hành trồng trọt, chăn nuôi, làm bánh, cải tiến nông trại… Mỗi loại bánh đều được nhóm tác giả cách điệu hóa sao cho vừa quen thuộc mà vừa độc đáo, mới lạ: Bánh pía dựa trên dáng cây nấm mỡ, bánh chưng dựa trên dáng các loại cây bonsai nhỏ, bánh ít dựa trên dáng bông cải Đà Lạt, kẹo cu đơ dựa trên dáng cây ăn thịt, bánh tai heo dựa trên dáng cây nấm linh chi…

Xem thêm: Sắc màu ẩm thực LAMORI

“Tụi mình đều xuất thân từ nhiều vùng miền khác nhau, có bạn có gốc miền Bắc, có bạn miền Trung, miền Nam… Như mình đến từ miền Tây Nam Bộ và ba mẹ mình cũng là những thợ làm bánh lành nghề nên mình quyết định đem những loại bánh miền Tây vào game”, Minh Kiệt thổ lộ.

Nói về ý tưởng cho dự án lần này, Minh Kiệt cho biết, trong bối cảnh ẩm thực phương Tây tại Việt Nam ngày càng phát triển, các bạn mong muốn tạo ra một trò chơi lồng ghép các văn hóa ẩm thực Việt Nam từ xưa đến nay. “Cái tên ‘Mùa kết ngọt’ được tụi mình lấy ý tưởng từ những vụ mùa đơm hoa kết trái, thể hiện mùa màng bội thu được đan kết bởi những vị ngọt ngào của bánh kẹo. Không chỉ đơn thuần là các loại bánh dân gian Việt Nam, chúng mình còn lồng ghép các chất liệu như nón lá, căn bếp truyền thống, thuyền đánh cá… với mong muốn tái hiện và lan tỏa những nét đẹp văn hóa dân tộc”.

Để tái hiện chính xác văn hóa dân tộc, các thành viên trong nhóm thường tham khảo các sách báo và nguồn tài liệu trên mạng xã hội về ẩm thực, phong tục, nét đặc trưng từng vùng miền… “Sau khi tìm hiểu từ các nguồn khác, chúng mình cũng sẽ gọi hỏi ba mẹ. Tụi mình tin chắc không có ai hiểu được văn hóa của một nơi bằng những cá nhân sống tại nơi đó. Những thông tin và trải nghiệm của ba mẹ giúp ích rất nhiều cho tụi mình trong đồ án lần này”.

Những hình ảnh dễ thương trong game của nhóm bạn trẻ.

Bối cảnh trong game là một đêm Tết Trung Thu ở một thị trấn tại Việt Nam. Ở phần giới thiệu đầu game, các bạn sử dụng các yếu tố liên quan đến Trung Thu như lồng đèn, ông trăng… để tái hiện rõ nét hình ảnh Tết Đoàn viên ở Việt Nam.

Ngoài ra, các bạn còn lồng vào game cốt truyện nhân văn. Đó là hình ảnh một cô bé ăn xin mồ côi lang thang trong đêm Trung Thu và được chủ tiệm bánh truyền thống nhận nuôi. Sáng hôm sau, cô bé tỉnh dậy thì chỉ thấy một quyển sách và lời nhắn cai quản tiệm bánh thay ông lão. Nhận thức được trách nhiệm, cô bé nối nghiệp ông và tiếp tục sứ mệnh gìn giữ văn hóa truyền thống đã được nuôi dưỡng nhiều năm.

Xem thêm: Hà Nội: Người dân 'chờ dài cổ' ngày nông sản hạ giá

Sáu tháng để hoàn thành

‘Mùa kết ngọt’ mất gần 6 tháng để hoàn thành, từ khâu ý tưởng đến thành phẩm. Khó khăn lớn nhất mà nhóm gặp phải chính là thời gian và trang thiết bị. “Thời gian của môn học khá ngắn, chỉ tầm 3 tháng nên tụi mình phải cật lực chạy bài để kịp tiến độ. Hơn nữa, vì là sinh viên nên các thiết bị như laptop của tụi mình cũng chưa đủ mạnh để đáp ứng những khâu kết xuất hình ảnh sau cùng”, Minh Kiệt chia sẻ.

“Chông gai” của nhóm tác giả còn là khi các bạn phải dung hòa và thống nhất một phong cách vẽ chung. “Từ việc thống nhất art style (phong cách đồ họa), sắp xếp bố cục hay tạo ra chuyển động… chúng mình đều mất khá nhiều thời gian để bàn bạc kỹ lưỡng và có sự thống nhất từ 5 thành viên. Sau cùng, tụi mình chốt đưa về phong cách minh họa kèm theo line chì để tăng tính dễ thương cho hình ảnh của game”, Minh Kiệt cho biết.

Các loại bánh truyền thống Việt Nam các vùng miền được nhóm bạn đưa vào game.

Minh Kiệt kể, trong những ngày cuối cùng hoàn thành đồ án, tất cả các thành viên phải thức trắng 2 đêm ở quán cà phê để hoàn thành nốt những công đoạn cuối cùng. “Tụi mình đã thay phiên “túc trực” ở quán để làm bài. Tuy có chút đuối sức nhưng tinh thần của cả nhóm đều hừng hực và chưa từng ai có ý định bỏ cuộc. Đó cũng là điều mình rất tự hào về nhóm”.

Điều may mắn nhất trong quá trình thực hiện đồ án chính là các thành viên đều bỏ qua cái tôi cá nhân vì mục đích chung. Các bạn trong nhóm đều làm việc trong trạng thái vui vẻ và tích cực đón nhận những lời góp ý, nhận xét lẫn nhau và từ giảng viên hướng dẫn.

Ngay sau khi đăng tải, đồ án ‘Mùa kết ngọt' nhận về nhiều phản hồi tích cực. Các bạn nhận được hơn 6.0000 lượt yêu thích trên Fanpage của ngành và các Fanpage của trường ĐH Văn Lang. Phần lớn những lượt bình luận đều mong muốn các bạn phát hành game.

Nhóm bạn trẻ bên sản phẩm game của mình.

“Đồ án lần này vượt cả mong đợi của tụi mình. Mình rất vui khi nhận được nhiều phản hồi tích cực và nhận được sự yêu mến từ mọi người. Sau khi hoàn thành buổi thuyết trình, nhiều thầy cô nhận xét sản phẩm đã khá chỉn chu. Các thầy rất vui vì tụi mình đã sử dụng những chất liệu truyền thống vào đồ án”, Minh Kiệt nhớ lại.

“Xem xong đồ án, các thầy biết thêm nhiều đặc sản lạ”, đó là điều khiến nhóm cảm thấy hạnh phúc nhất. Minh Kiệt cho biết, có một số bạn trong lớp, sau khi xem xong đồ án, mới biết đến kẹo cu đơ ở Hà Tĩnh, bánh cam, bánh còng ở miền Tây Nam Bộ… “Kể cả tụi mình cũng biết thêm được nhiều nét đẹp văn hóa qua các loại bánh truyền thống dân gian”, Minh Kiệt nói.

Qua đồ án lần này, nhóm tác giả mong muốn mang nhiều đặc sản của các vùng miền giới thiệu tới các bạn trẻ nhiều hơn, góp phần khơi gợi lòng tự hào yêu quê hương đất nước trong lòng mỗi người qua nét đẹp văn hóa dân tộc. Từ đó, ngày càng có nhiều bạn trẻ có ý thức bảo tồn và nối tiếp văn hóa truyền thống tốt đẹp của Việt Nam.

Nhật Hà