Nghề lạ kiếm bộn tiền ở 'nhà xác tình yêu'

Liu Wei tự gọi mình là "người vận hành nhà xác tình yêu".

Sau khi nghỉ việc ở công ty dược phẩm vào năm 2022, Liu bắt đầu kinh doanh dịch vụ hủy tài liệu và thông tin cá nhân tại nhà kho phía nam Bắc Kinh.

Công việc này ban đầu không mang lại nhiều lợi nhuận. Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi khi anh phát hiện ra khoảng trống thị trường tiềm năng chưa được khai phá. Đó là những người ly hôn ở thành phố muốn hủy bỏ ảnh cưới của họ.

Xem thêm: Nga lên tiếng về phát biểu của Tổng thống Putin

“Chúng tôi giống ‘lò hỏa táng’ cho những bức ảnh đó sau khi vòng đời của chúng kết thúc”, Liu nói với Washington Post.

Liu Wei có một doanh nghiệp phát đạt tại Langfang, Trung Quốc, chuyên hủy những bức ảnh cưới cũ.

Trả tiền để tiêu hủy ảnh cưới

Có rất nhiều khách hàng tiềm năng cho dịch vụ của Liu. Từ năm 2016 đến 2020, Trung Quốc ghi nhận hơn 4 triệu vụ ly hôn mỗi năm.

Điều này khiến chính phủ nước này - vốn đang thúc đẩy việc kết hôn truyền thống và sinh con trong bối cảnh dân số ngày càng giảm - phải áp dụng thời gian “hạ nhiệt” từ năm 2021.

“Hạ nhiệt ly hôn” chỉ khoảng thời gian bắt buộc 30 ngày mà cơ quan chức năng Trung Quốc yêu cầu để các cặp vợ chồng đã nộp đơn xin ly hôn có thời gian bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo và ngăn chặn cuộc chia tay "bốc đồng".

Mặc dù động thái này phần nào giúp giảm tỷ lệ ly hôn, vẫn có tới 1,3 triệu cặp đôi ly dị ở Trung Quốc trong nửa đầu năm nay.

Sau khi kết thúc hôn nhân, nhiều người đau đầu không biết phải làm gì với những bức ảnh cưới đóng khung cao tới 1,5 m của họ.

Vứt bỏ những bức ảnh này là điều không thể ở các thành phố Trung Quốc - nơi có quy định phân loại rác nghiêm ngặt. Quyền riêng tư cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Trong khi đó, đốt ảnh của người vẫn còn sống được coi là điềm xui xẻo đối với người Trung Quốc.

Liu (42 tuổi) - người đã kết hôn nhưng chưa bao giờ chụp những bức ảnh cầu kỳ như vậy - có giải pháp.

Xưởng chuyên phá hủy ảnh cưới của anh trở thành “cứu tinh".

“Chỉ cần gửi những bức ảnh đó đến... và chúng tôi sẽ làm cho chúng biến mất hoàn toàn, như thể chúng chưa từng tồn tại”, Liu nói trong video quảng cáo trên Douyin.

Trong video, các nhân viên của anh cũng dẫm hoặc nhảy lên một số khung ảnh để chứng minh chất liệu bền - như acrylic, kính, gỗ và kim loại - quá khó để tự phá hủy tại nhà.

Đoạn clip đã thu hút hơn một triệu lượt xem và mang đến cho Liu đơn hàng bùng nổ.

Hiện nay, hoạt động phá hủy ảnh chiếm hơn 95% lượng công việc của anh, và khoảng 80% trong số đó là ảnh cưới.

Những tấm ảnh được phun sơn lên khuôn mặt nhằm bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng.

Giải tỏa cảm xúc

Khi các kiện hàng đến xưởng, Liu và đội ngũ quay video quá trình mở hộp, đếm và cân các món đồ để xác định giá cả. Ngoài ảnh cưới, trong các hộp có thể còn chứa khăn, chăn và nhật ký.

Xem thêm: Vừa đăng ký kết hôn với chồng gia thế, tôi đã muốn hủy hôn sau lời tiết lộ rất sốc của chị họ

Sau đó, họ bắt đầu công việc phá hủy mọi thứ.

Đối với ảnh, Liu và đồng nghiệp sẽ phun sơn lên khuôn mặt và đặc điểm nhận dạng cá nhân như hình xăm, khuyên hay khiếm khuyết cơ thể bằng sơn tối màu.

Điều này nhằm bảo vệ quyền riêng tư của khách hàng và đôi khi giúp đảm bảo họ hoàn toàn xóa bỏ ký ức.

Một số khách hàng yêu cầu màu sơn cụ thể, trong khi số khác yêu cầu các họa tiết như bùa đạo giáo để “trừ tà”.

Đối với những thứ không thể đưa vào máy nghiền như kính và gỗ, họ sử dụng búa, tạ.

Sau đó, Liu gửi cho khách hàng video về toàn bộ quá trình - đôi khi kèm theo bản nhạc nền vui vẻ - trước khi mảnh vụn được chuyển đến nhà máy chuyển đổi rác thải thành năng lượng, nơi chúng trở thành nhiên liệu sinh học.

“Tất cả đều được xử lý một cách có trách nhiệm”, Liu nói và cho biết thêm một số khách hàng thậm chí tìm thấy “giá trị trị liệu” trong dịch vụ này.

Việc phá hủy ảnh từ một mối quan hệ cũ là “cách tạm biệt quá khứ”, Zhou Bingbing (28 tuổi), ở thành phố Phật Sơn, nói.

Khoảng 80% khách hàng của Liu là phụ nữ và họ gửi ảnh từ khắp Trung Quốc.

Liu cho biết anh không tò mò, nhưng một số người gọi đến hỏi dịch vụ của anh từng dành hơn một giờ để kể về câu chuyện ly hôn.

Dù vậy, cũng có khách hàng thay đổi ý định vào phút chót.

Liu kể lại vào một buổi chiều thứ Tư năm 2023, một người đàn ông đã gửi ảnh trước đám cưới của mình và yêu cầu phá hủy gấp, tốt nhất là trong ngày hôm sau.

Đến thứ Năm, người này gọi để tạm hoãn đơn hàng.

Vào sáng thứ Sáu, anh nhắn tin cho Liu để hủy đơn hàng hoàn toàn, nói rằng mình đã quay lại với vị hôn thê và muốn lấy lại ảnh.

Khi các kiện hàng đến xưởng, Liu và đội ngũ quay video quá trình mở hộp, đếm và cân các món đồ để xác định giá.

Ảnh cưới, về bản chất gắn liền với cảm xúc mãnh liệt, nhưng cũng có thể trở thành gánh nặng trong các vụ ly hôn và chia tay.

Một số người, đặc biệt là ở thị trấn nhỏ, thường phải lái xe đến thành phố khác để gửi ảnh vì lo ngại chúng có thể trở thành chủ đề bàn tán của hàng xóm, Liu cho biết.

Tại Trung Quốc, ly hôn vẫn bị đánh giá ở nhiều khu vực kém phát triển, đặc biệt đối với phụ nữ.

Liu cho biết một số khách hàng đã đến nhà máy để tham gia phun sơn và chứng kiến quá trình nghiền nát, có lẽ để giải tỏa cảm xúc.

Đối với Cheng Lingli, giáo viên 37 tuổi, những bức ảnh cưới cũ không còn ý nghĩa gì nữa. Cô chia tay chồng cũ cách đây một thập kỷ.

“(Tuy nhiên), gần đây, khi con trai tôi hỏi tôi tại sao tôi vẫn giữ bức ảnh đó, tôi cảm thấy xấu hổ về sự trì hoãn của mình và quyết định rằng tôi nên làm gì đó”, cô nói.

“Tôi sẽ cảm thấy kỳ lạ khi tự mình đốt những bức ảnh hoặc xé chúng ra. Vì vậy, tôi nhờ người khác làm thay”, Cheng chia sẻ thêm.

Minh An

Ảnh: Washington Post