Mùa vịt chạy đồng

Sau một mùa vụ bội thu, lúa đã kéo về sân phơi, ngoài đồng chỉ còn trơ những gốc rạ khô khốc, nắng gắt làm nứt nẻ những mảnh ruộng cằn cỗi. Chỉ chờ một trận mưa rào trút xuống, ba tôi lại mon men ra đồng để bắt đầu mùa vụ của mình, mùa vịt chạy đồng.

Ai cũng nói “muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”, ba sợ nghèo, sợ khổ lắm, ấy vậy mà ba theo nghề nuôi vịt mấy chục năm nay. Cũng từ nghề này mà má tôi mới quen ba và hai anh em tôi cũng nhờ vịt mà dần khôn lớn. Đôi lúc má muốn ba bỏ nghề vì trăm điều vất vả nhưng có lẽ còn đam mê, còn nợ duyên chưa dứt mà mỗi năm cứ hai bận, ba lại tất tả ra đồng.

Từ tờ mờ sáng, ba đã dậy, lọ mọ đeo đèn pin, lấy thúng ra chuồng để lượm trứng. Những ổ trứng trắng phau, nằm ngổn ngang khắp chuồng, ba nói lượm đã tay lắm, nhưng phải đầy ba sọt trứng thì mới có dư, còn lưng lưng thì coi như huề vốn. May nhờ có mấy tháng vịt ra đồng mới giảm được tiền cám, cố lấy công làm lời, kiếm được đồng nào mừng đồng nấy. Anh em tôi cũng muốn dậy phụ ba nên lần nào cũng nhắc sáng mai ba kêu con dậy sớm để con lượm trứng nhé. Thế nhưng, ba sợ con mất giấc nên cứ rón rén làm mà chẳng kêu ai. Má cũng dậy theo ba, nấu cơm, kho cá, kho thịt để ba ăn no chắc dạ vì ra đồng theo vịt có khi đến một hai giờ chiều mới về.

Xem thêm: Loài cá mỏ nhọn như cây kim, chế biến món ăn cực ngon

Trời mùa tháng ba hay tháng tám cũng thế, nắng như đổ lửa nhưng chiều lại mây dông kéo đến. Mưa nắng thất thường nên lúc nào ba cũng quấn chiếc áo mưa ni lông quanh hông, đeo theo bình nước cũ kỹ, trong đó là mấy lát gừng và gói trà thanh nhiệt. Vị nước thơm nồng, ngọt ấm giúp ba có sức theo vịt cả ngày ngoài đồng. Cả cánh đồng rộng lớn, bóng dáng ba nhỏ liêu xiêu ngồi bên mô đất, tay cầm sào cột một túm ni lông trên đầu gậy, lâu lâu lại quơ quơ, huýt sáo vài cái để đuổi một vài chú vịt lạc bầy muốn đi ăn hướng khác. Ba nói nghề này tuy vất vả nhưng cũng vui, ra đồng ngồi hóng mát giữa đồng, mùi rơm rạ, mùi bùn tanh cũng là mùi vị bình yên. Nhìn những con vịt rúc rúc bắt con cua, con ốc, chỉ chốc lát đã no căng diều cũng là một điều thú vị. Có lẽ cũng vì suy nghĩ về cuộc sống giản đơn ấy mà ba tôi luôn tìm thấy niềm vui trong nghề đã chọn.

Ba thường bắt mấy con cua thật to mang về cho má nấu canh đu đủ, canh rau đay, rau dền…, nhất là cua nướng giã mắm chấm với mớ rau luộc ngoài vườn là ngon hết sẩy. Lần nào má cũng chừa lại cho anh em tôi mấy cái càng to, ba tôi phải dùng cán dao gõ thật mạnh mới vỡ được. Bữa cơm tối của gia đình tôi ấm áp như vậy.

Buổi tối, má thường lấy chai dầu nóng, thoa đều khắp lưng ba, anh em tôi hì hục đấm lưng, bóp vai, bóp chân cho ba. Bé út nói chưa sõi nhưng cũng xúm lại đấm đấm vài cái rồi hỏi: “Ba có thoải mái hông?”, ba cười: “Ừ, thoải mái quá”. Rồi quay qua xoa đầu bé út, ôm nó hôn thật mạnh, “Chỉ cần các con đấm lưng là ba khỏe lại liền”. Nhìn những vết chai sần trên tay ba và mấy vết cứa dưới đôi chân đen đúa vì ngấm bùn lâu năm ấy, tôi thầm nhủ bao nhiêu cố gắng nỗ lực của mình cũng không thể nào bù đắp được những hy sinh và vất vả của ba má. Tôi lại cặm cụi bên trang sách để mong được đổi đời cho mình và cho ba.

Xem thêm: Cận cảnh ngôi chùa 400 năm tuổi nằm trên đỉnh núi

Trong đêm khuya thanh vắng, gió ngoài đồng đem theo mùi rơm rạ thoang thoảng, tiếng ếch nhái ộp ộp kêu cùng với tiếng võng cót két, má tôi ru bé út ngủ bằng câu hát ru quen thuộc: “À ơi, mành mành hai tấm mành mành, lấy chồng chăn vịt… à ơi… lấy chồng chăn vịt cho lành tấm thân…”.

NGUYỄN THOA