Mùa miến Tết ở Bình Liêu

Húc Động giờ đây không còn là những ngôi làng người Sán Chỉ hẻo lánh nữa. Từ thị trấn Bình Liêu, đi qua con đường liên xã trải nhựa êm ru khoảng 15 km là tới được xã Húc Động. Nghề làm miến dong ở Húc Động đã có từ lâu đời, nhưng kể từ khi Quảng Ninh phát triển các sản phẩm OCOP, miến Húc Động mới có dịp “cất cánh”.

Ruộng lúa ở Húc Động mùa này chỉ còn trơ những gốc rạ, nhường chỗ cho những phên miến phơi đón nắng.

Người Sán Chỉ ở Húc Động bảo rằng, nghề làm miến phải trông chờ vào ông mặt trời, bởi mọi công đoạn diễn ra liên tục trong ngày. Nếu không có nắng để phơi miến thì cũng không xay củ dong làm bột.

Xem thêm: TP Hồ Chí Minh: Giao lưu, giới thiệu về 'Bác Hồ - Một tình yêu bao la'

Đối với người làm miến ở Húc Động, đây là thời gian bận rộn, vất vả nhất trong năm.

Từ sáng sớm đã phải dậy xay củ dong riềng thành bột. Bột dong từ máy xay chảy về các thùng, tại đây phải có người đứng nguấy bột để loại bỏ các tạp chất, trước khi bột chảy về thùng lọc.

Bột dong khi được đưa lên máy tráng phải đảm bảo tinh khiết, không còn xơ bã, đủ độ dẻo.

Bánh dong được xếp lên phên, mang phơi 1 đến 2 nắng rồi lại được mang về xưởng.

Miến được cán thành sợi nhỏ.

Miến sợi sau khi băm lại được mang phơi thêm 1 nắng nữa trước khi đóng gói…

Là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh Quảng Ninh, thông qua các chương trình xúc tiến thương mại của tỉnh và huyện, miến dong Bình Liêu giờ đây đã có mặt tại nhiều cửa hàng nông sản sạch, trung tâm thương mại lớn với giá dao động từ 90.000 - 120.000 đồng/kg.

Miến dong Bình Liêu không có sắc vàng bóng bẩy, hay màu trắng ngần bắt mắt như ở các nơi khác. Miến dong Bình Liêu gây ấn tượng với màu xanh lục nhạt. Đây cũng là màu sắc thuần khi chế biến nguyên chất củ dong riềng.

Xem thêm: Cách làm mì xào thập cẩm cho bữa tối, đơn giản mà rất hấp dẫn

Cũng nhờ nghề làm miến, nhiều nông dân ở Bình Liêu đã trở thành khá giả, tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Nguyễn Quý