Mùa ghẹm

Ghẹm là loài thủy sản rất quen thuộc với người dân vùng nước lợ, có hình thù tựa như cua hay còng, nhưng tiết diện lại nhỏ, bự lắm khoảng 2-3 phân, tầm ngón chân cái đổ lại. Ghẹm có màu xám hay vàng, cũng dáng vẻ tám cẳng hai càng như cua, nhưng ghẹm hiền lành và ít tấn công tự vệ, di chuyển thì nhanh nhẹn không thua những anh bạn cùng loài, thức ăn chủ yếu là động vật phù du. Tuy cùng họ nhà cua, nhưng ghẹm trông mảnh mai với thân mỏng dẹt, bụng có màu vàng nhạt, mai cứng và giòn, nhiều gạch màu vàng đậm, viền mai không có gai như cua.

Khi đến mùa, ghẹm bơi là đà cách mặt nước chừng một tấc, đứng trên bờ hay trên xuồng là dễ dàng quan sát thấy ghẹm, người dân hay gọi nôm na là ghẹm “thả tàu”. Bắt ghẹm cũng khá đơn giản, người dân thường dùng lú hay lọp để đặt ghẹm. Dùng lú thì không cần mồi, chỉ cần đặt ven những đống chà hay rặng dừa nước đến sáng ra thăm là dính ghẹm. Còn dùng lọp thì phải để tôm cá đã chết vào bên trong để ghẹm nghe mùi tanh mà bơi vào. Nhưng bắt được nhiều ghẹm nhất là khi vào đúng con nước, lúc này ghẹm đi nhiều, có khi dỡ một cái lú 3-4 kg là chuyện thường. Những bậc cao niên trong vùng kể lại rằng, hồi xưa ghẹm nhiều vô số kể, tới mùa ghẹm “thả tàu” bèo sông, thậm chí họ còn nói vui nhiều đến mức xuồng chạy chém mẻ luôn trứng vịt máy. Lúc đó ghẹm nhiều nhưng chẳng ai mua, phải rọng lại ăn dần, hoặc cho người này người kia ăn lấy thảo. Có người dỡ lú dính ghẹm nhiều riết ngán, hôm sau phải vá lại lú vì bị ghẹm kẹp để tìm đường thoát ra ngoài.

Vào đúng con nước, mỗi cái lú có thể đặt dính vài ký ghẹm.

Xem thêm: Chào mừng Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Lâm Đồng lần thứ IV, năm 2024: Hoa thắm của cao nguyên

Ðó là câu chuyện của thời xưa, hiện nay ghẹm đã dần hiếm và trở thành một loại đặc sản, giá cao ngất ngưỡng. Từ 1-2 ngàn đồng/kg, hiện nay thương lái đến tận nơi thu mua giá ghẹm đã tăng 80 ngàn đồng/kg, khi ghẹm ra tới thành phố có giá lên tới 120 ngàn đồng/kg. Có thể nói hiện nay là thời kỳ hoàng kim của ghẹm, giá cao kèm theo một năm chỉ có một mùa nên ai cũng tranh thủ đặt lú, đặt lọp bắt. Có người nhiều lú thì ngày nào may mắn thu hoạch trên 1 triệu đồng là chuyện bình thường.

Xem thêm: Nghề thủ công truyền thống

Khi ghẹm nhiều, người dân rọng để dành, giúp cải thiện bữa ăn hằng ngày.

Có lẽ mang trong mình tập tính phiêu bạt trên các dòng sông và được chắt lọc dưỡng chất tinh túy từ sông dài, biển rộng mà loài ghẹm cho thịt thơm ngọt, béo ngậy, vỏ giòn và nhiều gạch hơn cua đồng. Ghẹm chế biến được nhiều món ngon như: ghẹm nướng, ghẹm luộc chấm muối tiêu chanh, lăn bột chiên giòn, rang me, hấp bia, chiên nước mắm hay đâm giập ra nấu canh, món nào cũng ngon vì gạch ghẹm toàn gạch son, khi chín đỏ tươi như son môi thiếu nữ, còn thịt thì ngọt ngon, chắc nịch. Mâm cơm mà có ghẹm thì coi như bữa đó ăn no cành hông, hết sạch nồi cơm là cái chắc. Khi ghẹm nhiều người dân còn chế ra món ghẹm muối, cũng giống như muối ba khía, ghẹm đem rửa sạch, sắp vô keo, nước muối nấu sôi, để nguội, đổ ngập, đậy kín tầm 7-10 ngày là có thể ăn được. Ghẹm muối có gạch thơm và béo, ăn với cơm nguội là đúng kiểu dân quê.

Những con ghẹm mập ú, khi di cư có màu xám hay vàng, nhìn rất bắt mắt.

Ghẹm làm được nhiều món ăn ngon, trong đó có món luộc chấm muối tiêu chanh, tuy đơn giản nhưng rất hao cơm.

Ngày nay, khi nhiều loài thủy hải sản tự nhiên dần khan hiếm, con ghẹm cũng đang ít dần, ngày càng thưa thớt, đến mức hiếm hoi. Cuộc sống thì ngày càng đổi thay, kéo theo đó nhu cầu ăn uống của mỗi người ngày một nâng tầm và khó tính hơn, nhưng đâu đó vẫn còn những món ăn từ ghẹm đi vào lòng người, khiến người đi xa phải nhớ, nhớ con ghẹm, nhớ mùa bắt ghẹm trên sông.

Vũ Linh