Hơn nửa thế kỷ 'ăn ngủ' với tranh của cố họa sĩ Trần Tuấn

Diễn ra trong tiết trời chính thu Hà Nội, triển lãm Sắc và Không trưng bày 44 tác phẩm hội họa của cố họa sĩ Trần Tuấn. Theo ông Trần Đức Minh, con trai cố họa sĩ, triển lãm đem đến cái nhìn tổng quan về 50 năm thực hành nghệ thuật của Trần Tuấn. Từ những tác phẩm hình họa hàn lâm, tranh chân dung, phong cảnh đến tranh trừu tượng đều được giới thiệu đến công chúng yêu hội họa.

Thế mạnh trừu tượng của cố họa sĩ được thể hiện rõ nét trong triển lãm Sắc và Không. Ông đạt 2 giải thưởng quốc tế với thế mạnh này. “Tuy nhiên, buổi trưng bày muốn công chúng hiểu rằng trước khi được ghi nhận với tranh trừu tượng, Trần Tuấn đã có nền tảng vững chãi với tranh chân dung, phong cảnh cổ điển, hàn lâm. Tác phẩm trừu tượng của ông có bề dày, là kết quả của quá trình tự khám phá, thể nghiệm”, ông Trần Đức Minh chia sẻ.

Về chất liệu, họa sĩ Trần Tuấn tập trung sử dụng sơn dầu trên canvas, tạo nên dấu ấn thương hiệu cá nhân. Trong giai đoạn thực hành nghệ thuật cuối đời, cố họa sĩ cũng thành công với acrylic, mang lại màu sắc đầy năng lượng, sức sống, thể hiện tâm hồn tươi mới, trẻ trung. Nét độc đáo của ông còn được thể hiện qua sự khéo léo áp dụng đặc tính nhiều lớp của tranh sơn mài Việt Nam vào chất liệu sơn dầu và acrylic.

Xem thêm: Trình diễn thư pháp và triển lãm ảnh nghệ thuật tại lễ hội Nguyễn Trung Trực

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt 800 tác phẩm của Trần Tuấn là tư tưởng về tình yêu và hòa bình. Từ tranh hữu hình đến tranh trừu tượng, cố họa sĩ đều thể hiện tình yêu cháy bỏng với cuộc sống, gửi gắm thông điệp về niềm yêu đời mãnh liệt đến người xem.

“Trần Tuấn là người sinh ra để vẽ, là kẻ mơ giữa ban ngày”, giám tuyển Ngô Kim Khôi nhận định tại triển lãm Sắc và Không. Theo giám tuyển, tranh trừu tượng của cố họa sĩ mang đến một vùng trời mãnh kiệt, chuyên chở nhiều tâm tình riêng tư. Trần Tuấn từng là người thực hành nghệ thuật hàn lâm, được đào tạo bài bản về hội họa tại Đại học Mỹ thuật Việt Nam, song về sau quyết tâm từ bỏ những điều đã học, chỉ làm theo cảm xúc cá nhân.

Từng lớp màu sắc trên tranh là những lớp lang cảm xúc được nén chặt của người nghệ sĩ. “Những sắc màu nóng tưởng bùng nổ, sôi nổi lại dẫn người xem đến trạng thái bình yên, êm ả, chạm vào ngõ ngách sâu thẳm của tâm hồn. Đây có lẽ là dụng ý của họa sĩ”, giám tuyển Ngô Kim Khôi chia sẻ.

“Trần Tuấn là một họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam với nhiều tác phẩm được trưng bày rộng rãi trong nước và quốc tế. Lấy cảm hứng từ tâm linh phương Đông, các tác phẩm trừu tượng của ông thoạt đầu có vẻ hoàn toàn tối giản và và nhiều sự kìm nén; tuy nhiên, trong đó lại tràn đầy xúc cảm mãnh liệt nổi bật và những năng lượng bùng nổ, chủ yếu đạt được thông qua bảng màu rực rỡ và kỹ thuật vẽ màu nhiều lớp một cách điêu luyện bằng bay. Nghệ thuật của Trần Tuấn mang đến cho người xem những tư tưởng và suy nghĩ sâu thẳm nhất của ông về tình yêu và khát vọng hòa bình cho nhân loại”, trích lời các giám tuyển Saatchi Art.

Xem thêm: Béo thơm chân giò hầm Hàn Quốc trưa thứ Sáu

Thông điệp truyền tải của triển lãm là: “Xuyên qua hình thể, hòa mình vào vũ trụ”. Theo đó, “hình thể” chỉ các giác quan của con người, là kênh cảm nhận hạnh phúc và khổ đau. “Hòa mình vào vũ trụ” là quá trình vượt lên tham, sân, si của của đời sống, dung hòa giữa hạnh phúc và khổ đau để đến với yên bình. Triển lãm Sắc và Không trưng bày các tác phẩm của cố họa sĩ Trần Tuấn, diễn ra ngày 24/9-29/9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (quận Ba Đình, Hà Nội).

Linh Vũ - Thế Bằng