Hàng xóm thân thương

Khỏi phải nói cũng biết, cuối thu năm nay, hồng giòn thì nhiều, tương đối dễ mua, chứ hồng trứng, hồng mềm thì hơi hiếm. Vận chuyển khó khăn, chi phí cao lại dễ dập nát, nên chẳng ngạc nhiên khi chị nọ tha thiết nhớ nhung tới mức đó.

Vậy mà tối qua, có một cô em chung xóm đã xin kết bạn với Ngân trên Zalo. Vừa chấp thuận xong đã thấy nhắn gởi địa chỉ, kèm theo câu thân mến: Em thấy chỗ này bán trái hồng mềm chị ạ. Biết là chị mê quả ấy nên em gởi, chị liên hệ thử xem sao.

Thương vậy chứ! Đây không phải lần đầu Ngân nhận được sự chia sẻ mối mang mua sắm từ người xung quanh khu phố của mình. Bắt đầu từ các đợt giãn cách mấy năm trước, thiên hạ rần rần tích trữ, chen chúc, thì cũng là lúc Ngân được mời tham gia nhóm chat mang tên “Hẻm 1A”.

Xem thêm: Trực tiếp kết quả xổ số miền Bắc thứ Hai 30/9 - XSMB 30/9 - KQXSMB 30/9/2024

Ôi thôi là nhiều kinh nghiệm “sống sót” mùa dịch bệnh. Từ mua cá tươi, thịt tươi, rau củ, thuốc men ở đâu, đến nhà nào quên chưa đăng ký tiêm vaccine, rồi vợ chồng bác Sáu dính Covid-19 mà chẳng có con cái ở gần để chăm sóc… cũng được hê lên. Mọi người vui vẻ chung tay, lịch sự ân cần, chẳng thấy nề hà phân biệt gì.

San sẻ lương thực cho nhau giai đoạn dịch Covid-19 tại phường An Khánh, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Xem thêm: Cú 'trượt ngã' của hotgirl chơi nhạc với tên trùm ma túy khét tiếng (P cuối): Ngày tàn của những 'ảo mộng'.

Còn nhớ hồi đó, có ai đấy than “Lâu quá không nhìn thấy mặt mũi cọng rau tía tô đâu hết, người bải hoải thèm tô cháo nóng với tía tô mà khó quá”. Lát sau, đã thấy một bịch rau của nhà trồng được treo ở cửa nhà. Chủ nhân của túi quà be bé ấy bẽn lẽn: Hơi ít tí, thông cảm, đã vặt trụi chậu rau thơm trước ban công rồi! Người nhận bịch rau chỉ biết rưng rưng vì cảm kích.

Chị hàng xóm kế bên mới dọn về năm trước, có nét mặt khá lạnh lùng vừa mang cho Ngân ít giá đậu xanh, thêm hũ tỏi đen nho nhỏ, đều là tự tay làm. Ngân vừa bất ngờ, vừa tự cảm thấy có chút xấu hổ trước sự thân thiện ấy. Hóa ra, do lâu nay Ngân đi làm suốt, ít giao thiệp, chứ họ đâu tới mức xa lạ, khó gần như vẫn tưởng. Để đáp lễ, Ngân gọi cổng, biếu hàng xóm chục trứng gà ta và nửa cái bắp cải “ở quê gởi vào”.

Lên mạng xem trang cá nhân, Ngân mới biết hàng xóm của mình quá giỏi. Vừa buôn bán online vừa đưa đón con, lại tự chăm cây, làm đậu hũ, trồng rau mầm, muối cải muối dưa vô cùng xuất sắc. Sự ác cảm “vô công rỗi nghề” đã tan biến hẳn. Ngân hiểu ra, ở nhà nội trợ cũng có cái giá của nó, đặc biệt là trong cái thời mọi người đều thích tự chế biến, trồng tỉa chút đỉnh cho mâm cơm lành sạch của nhà mình.

“Tối lửa tắt đèn” của thời nay là cảnh buổi sáng nhờ mua giúp ít rau cà vì bận con nhỏ, không tiện ra chợ. Là gởi chìa khóa để sang cho mèo ăn, tưới giùm chậu cây lúc không có nhà. Là để ý cửa nẻo, đèn đuốc giùm vì vợ chồng đi công tác vắng. Là vui vẻ cho đậu nhờ mấy chiếc xe gắn máy lấn dài qua cửa, khi nhà ai đó có hiếu hỉ bất ngờ. Là nhà này nhắn hỏi nhà kia, rủ rê mua chung một thùng trái cây cho đỡ phí ship, chẳng hạn.

Hàng về tới hẻm, lại thống nhất đưa tặng hai cô bé mồ côi bố một rổ cam, trước khi chia nhau. Sau mùa dịch năm nào, rồi đợt bão lũ năm nay, ai nấy dường như đều bình tâm, nhẹ nhàng, biết chuyện hơn hẳn. Họ sẵn sàng nhường nhau, mời nhau, dành tặng nhau chút bánh trà gì đó, như một cách để nối dài những thân thương cũ đầy ý nghĩa.

Một người kể trên mạng rằng, nhờ năm đó có vài tháng nằm nhà, mà biết mình ở tổ nào, khu phố nào, tổ trưởng dân phố là đàn ông hay đàn bà. Và cũng lần đầu tham gia mấy cái group (nhóm) cộng đồng tại phường mình mà nhớ tên gia đình láng giềng. Sống chậm lại tí, tình làng nghĩa xóm nhờ đó mà ấm áp hẳn. Trước đây nhiều lắm lâu lâu chạm mặt chào hỏi, thì nay bỗng mừng thấm thía với câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

HOÀNG MY