Hà Nội thời cận đại qua lăng kính tài liệu lưu trữ

Một trong những điểm riêng khác trong cách tiếp cận lịch sử Hà Nội của tác giả Đào Thị Diến là các nghiên cứu của bà luôn được soi chiếu qua lăng kính tài liệu lưu trữ. Tài liệu lưu trữ giúp cung cấp những cứ liệu xác đáng để thế hệ sau có cái nhìn đúng đắn hơn về lịch sử Hà Nội.

Buổi ra mắt sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)” - Ảnh: H.Y

Với hơn 30 năm công tác tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I và cơ hội tiếp xúc với các kho Lưu trữ Pháp khi bảo vệ luận án tiến sĩ tại Pháp, nhà nghiên cứu Đào Thị Diến có cơ hội tiếp cận những tài liệu quý giá từ các phông lưu trữ tiếng Việt và tiếng Pháp. Bà đã khai thác một cách cẩn trọng những “nhân chứng sống” xác thực và khách quan này, tham khảo và đối chiếu với nhiều nguồn tài liệu có liên quan, để rồi chính thức giới thiệu đến độc giả.

Xem thêm: Theo chân thợ săn rắn bông súng thu tiền triệu mỗi đêm ở Cà Mau

“Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873 - 1945)” được tuyển chọn từ các báo cáo khoa học và các bài viết về Hà Nội đã đăng trên các báo, tạp chí của nhà nghiên cứu Đào Thị Diến. Có thể coi đây vừa là một công trình chuyên khảo với phương pháp nghiên cứu khoa học nghiêm cẩn, vừa là một dẫn nhập cụ thể và dễ hiểu cho bất cứ ai muốn tìm hiểu về lịch sử Hà Nội thời cận đại.

Cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)”.

Xem thêm: Kết quả xổ số (KQXS) hôm nay Chủ nhật ngày 29/9/2024

Cuốn sách được chia làm hai phần chính. Phần I gồm 5 bài viết về thời kỳ bi tráng trong lịch sử cận đại Việt Nam (1873 - 1897) qua các sự kiện thành Hà Nội bị thực dân Pháp tấn công, chiếm đóng và phá hủy.

Phần II gồm 35 bài viết đưa ra một bức tranh toàn cảnh phản ánh quá trình biến đổi Hà Nội từ khu nhượng địa thành một “thành phố Pháp”, một “Paris thu nhỏ” theo ý đồ của chính quyền thực dân. Sự biến đổi này diễn ra đồng loạt ở tất cả các lĩnh vực chính trị, địa giới và tổ chức hành chính, quy hoạch, xây dựng và mở rộng thành phố, giao thông, văn hóa - xã hội, giáo dục, bảo vệ cảnh quan và các di tích lịch sử.

Theo GS.NGND Vũ Dương Ninh, qua cuốn sách “Hà Nội thời cận đại - từ nhượng địa đến thành phố (1873-1945)”, TS Đào Thị Diến đã tìm cho mình một lối riêng bằng việc đi sâu, làm sáng tỏ nhiều sự kiện lịch sử của Hà Nội. Trong công trình này, tác giả đã khai thác trên bình diện rộng và phân tích theo chiều sâu các nguồn tài liệu lưu trữ thời Pháp thuộc, nhờ vậy người đọc ngày nay có thể hình dung được sự hình thành một thành phố “xứ bảo hộ” dưới quyền cai trị của người Pháp.

Không diễn giải, không định hướng hay đưa ra những kết luận đóng đinh và xét đoán thiên lệch, tác giả Đào Thị Diến nỗ lực thấu hiểu và dựng lại bức tranh toàn diện về lịch sử Hà Nội thời cận đại qua các tài liệu lưu trữ, từ đó mong muốn giới thiệu và truyền tải những thông tin ấy đến độc giả yêu mến Hà Nội và muốn tìm hiểu về Hà Nội.

Tác giả Đào Thị Diến sinh năm 1953 tại Hà Nội. Bà là tác giả của nhiều chuyên luận về Hà Nội đã xuất bản: “Hà Nội qua tài liệu và tư liệu lưu trữ (1873-1954)” (chủ biên); “Hệ thống văn bản pháp quy về xây dựng và quản lý Thành phố Hà Nội từ 1885 đến 1954”.

Bà tham gia biên soạn các đầu sách: “Từ điển đường phố Hà Nội”, “Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội”, “Khu phố Tây ở Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX qua tư liệu địa chính”, “Địa danh hành chính Thăng Long - Hà Nội (từ đầu thế kỷ XIX đến nay)”.

Vân Hạ