Gìn giữ điệu chèo Tử Dương

Về thăm thôn Tử Dương (xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) vào một chiều chủ nhật tôi được chứng kiến không khí tập luyện hăng say của các nghệ nhân không chuyên trong Câu lạc bộ (CLB) chèo Tử Dương để chuẩn bị cho ngày kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô 10-10.

Chị Nguyễn Thị Hà, chủ nhiệm CLB cho biết: "Làng Tử Dương là một làng cổ và có truyền thống hát chèo từ xưa. Tuy nhiên do nhiều yếu tố khách quan nên chèo đã bị lãng quên trong một thời gian dài. Năm 2006 được sự quan tâm của chính quyền địa phương và tình yêu chèo của các cụ cao tuổi trong làng nên câu lạc bộ chèo Tử Dương ra đời với 30 thành viên".

Câu lạc bộ chèo Tử Dương biểu diễn chèo tại một sự kiện của Hội Liên hiệp Phụ nữ TP Hà Nội.

Xem thêm: Đánh thức tinh thần sáng tạo

Những thành viên đều có một ngành nghề riêng, chủ yếu là nông dân nhưng điểm chung là ai cũng yêu chèo và mong muốn khôi phục lại làn điệu chèo quê hương. Ngay thời gian đầu thành lập, nhiều nhà hảo tâm trong thôn đã hỗ trợ CLB cả về vật chất lẫn tinh thần, trong đó có ông Nguyễn Tiến Hùng ủng hộ hơn 100 triệu đồng để CLB mua sắm trang phục, đạo cụ, thuê xe ô tô đưa hội viên đi diễn giao lưu và đi thi các cấp.

Chị Hà cho biết, hai cụ được gọi là "cây đa, cây đề" của chèo làng là cụ Đỗ Văn Công và cụ Nguyễn Thị Thanh Vệ tuy đều ở độ tuổi ngoài “thất thập cổ lai hy” nhưng rất hăng say truyền dạy chèo cổ cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, CLB cũng tự xây dựng và biên đạo nhiều tác phẩm mang hơi thở hiện đại có nội dung phản ánh các vấn đề đời sống thường nhật như: “Quán bên đường” nói về tình trạng không tuân thủ luật giao thông ở vùng ngoại thành hay như “Niềm tin tất thắng” vận động, tuyên truyền toàn dân đấu tranh, đẩy lùi tệ nạn ma túy.

Nói về thành tích, CLB chèo Tử Dương cũng chẳng hề kém cạnh các làng chèo cổ trên cả nước, trong các lần tham dự hội thi dân ca dân vũ, chèo Tử Dương đều mang về nhiều giải cao cấp thành phố, cấp huyện. Cụ thể CLB đã đoạt giải Nhì Hội thi Tiếng hát không chuyên TP Hà Nội năm 2008, giải Ba Hội thi Nhà nông đa tài năm 2022 và rất nhiều giải tại các cuộc thi, hội diễn văn nghệ huyện Ứng Hòa qua các năm.

Ngoài sự nỗ lực chung của các thành viên CLB không thể không nhắc đến vai trò đầu tàu của nữ chủ nhiệm Nguyễn Thị Hà. Chị Hà vốn không phải người biết hát chèo từ nhỏ nhưng vì yêu chèo và cảm thấy cần phải có trách nhiệm khôi phục làn điệu chèo quê hương, chị Hà đã xung phong làm chủ nhiệm CLB từ năm 2014 đến nay.

Để có kinh phí duy trì hoạt động, biểu diễn, chị Hà đã đi vận động nguồn lực xã hội hóa trong suốt 10 năm qua và tổng số tiền vận động được ước tính hơn 300 triệu đồng, cá nhân chị Hà ủng hộ 10 triệu đồng. Với nguồn kinh phí trên đã giúp CLB duy trì hoạt động liền mạch chưa từng bị gián đoạn cũng như chưa bỏ lỡ lần hội thi văn nghệ cấp huyện, cấp Thành phố nào.

Chị Hà cũng là người đề xuất với chính quyền địa phương để CLB được trình diễn chèo phục vụ bà con nhân dân trong các dịp kỷ niệm lớn của đất nước như dịp Quốc khánh, Giải phóng Thủ đô, Giải phóng miền Nam, Ngày Phụ nữ Việt Nam... Từ một người yêu chèo đến nay chị Hà đã tiếp bước những nghệ nhân già như cụ Công, cụ Vệ... trở thành một người hát chèo có nghề. Chị Hà cũng đã cùng các cụ trực tiếp truyền dạy, hướng dẫn cho gần 100 học viên chủ yếu là các bạn trẻ về kỹ năng hát và trình diễn chèo.

Xem thêm: Đến với bài thơ hay: Nỗi lòng người xa xứ

Ông Đỗ Năng Huấn, trưởng thôn Tử Dương cho biết: "Câu lạc bộ chèo Tử Dương đóng vai trò rất lớn trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân địa phương. Hát chèo đã giúp thắt chặt tình làng nghĩa xóm, tình đoàn kết nhân dân cũng như gìn giữ, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống. Mỗi khi đến dịp trình diễn chèo, cả làng như mở hội, nô nức ra xem rất đông. Có được kết quả như ngày hôm nay là nhờ sự đóng góp rất lớn của chị Hà nói riêng cũng như của các thành viên CLB nói chung. Năm 2024 chị Hà được UBND thành phố tặng danh hiệu Người tốt Việc tốt".

Bài ảnh: VĂN CÔNG