Giám đốc công nghệ Meta nêu lý do Mark Zuckerberg muốn giới thiệu kính AR 10.000 USD mà người dùng chưa thể mua

Không có gì bí mật khi Meta Platforms đã đốt hàng tỉ USD mỗi năm vào dự án metaverse của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg. Mark Zuckerberg đã nói rõ rằng đây là một bước đi dài hạn có thể đưa Meta Platforms trở thành công ty dẫn đầu trong nền tảng điện toán lớn tiếp theo kể từ khi iPhone mở ra kỷ nguyên smartphone. Ông đã kêu gọi sự kiên nhẫn từ Phố Wall.

Tại hội nghị dành cho nhà phát triển Connect 2024 diễn ra rạng sáng 26.9 (giờ Việt Nam), cuối cùng Mark Zuckerberg đã có thể tiết lộ những gì mà nhiều tỉ USD đã được chi để phát triển là kính AR mang tên Orion.

Mark Zuckerberg và Andrew Bosworth (Giám đốc công nghệ Meta Platforms) rõ ràng rất hào hứng về cột mốc này ngay cả khi người dùng sẽ không thể mua kính Orion trong nhiều năm tới. Theo họ, đây là bước quan trọng để thuyết phục mọi người tin vào tầm nhìn của công ty mẹ Facebook.

Xem thêm: Vòng 6 giải bóng đá Ngoại hạng Anh 2024 - 2025: Tâm điểm Manchester United - Tottenham

Andrew Bosworth, Giám đốc công nghệ Meta Platforms - Ảnh: Getty Images

Trong cuộc phỏng vấn với nhà phân tích Ben Thompson của hãng Stratechery, Andrew Bosworth nói rất hài lòng khi cuối cùng cũng hiện thực hóa tầm nhìn của Mark Zuckerberg sau nhiều năm "chịu áp lực dữ dội".

"Có lẽ cho đến một năm trước, chúng tôi vẫn không biết liệu mình có thể xây dựng được bất kỳ sản phẩm nào trong số đó hay không, vì vẫn còn một chút rủi ro. Rồi đến vài tháng trước, khi có thể chơi thử phần mềm, đó thực sự là một khoảnh khắc xúc động với tôi", Andrew Bosworth kể.

Meta Platforms đã thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư vì khoản lỗ tích lũy khổng lồ lên tới hơn 50 tỉ USD từ năm 2019 trong bộ phận Reality Labs, gồm các hoạt động thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR) cũng như nỗ lực về phần mềm metaverse. Bất chấp việc kiểm soát chi phí chặt chẽ, kết quả kinh doanh quý 2/2024 cho thấy Meta Platforms đã mất thêm 4,48 tỉ USD chi phí hoạt động cho metaverse và công ty dự kiến những khoản lỗ này sẽ "tăng đáng kể theo từng năm".

Dù được tiếp thị là tương lai của điện toán, kính Orion có vẻ là sản phẩm trong tương lai xa. Mỗi cặp kính được cho có giá sản xuất là 10.000 USD và Andrew Bosworth cho biết việc giảm chi phí sao cho phù hợp để bán sẽ mất khoảng 3 đến 5 năm.

Thế nhưng, ông cho biết công ty vẫn muốn giới thiệu tầm nhìn của mình về tương lai và những kết quả cụ thể sau một thập kỷ đầu tư vào AR.

"Lý do đầu tiên chúng tôi giới thiệu kính Orion là để chứng minh cho mọi người thấy giống như kiểu: Này, hãy đầu tư cùng chúng tôi, tin tưởng chúng tôi. Nếu bạn là chuyên gia công nghệ, hãy làm việc với chúng tôi, đây chính là điều tuyệt vời đó. Mục tiêu thứ hai là các nhà phát triển”, Andrew Bosworth cho hay.

Ông nói muốn khơi dậy sự hào hứng cho những người đang đầu tư vào việc phát triển ứng dụng cho nền tảng của Meta Platforms.

"Nếu đầu tư vào nền tảng xã hội của chúng tôi, bạn sẽ nhận được lợi tức không chỉ trong hệ sinh thái Quest mà cuối cùng còn ở hệ sinh thái AR", Andrew Bosworth nhấn mạnh, nhắc đến kính thực tế hỗn hợp Quest của Meta Platforms.

Mark Zuckerberg từ lâu tin tưởng mạnh mẽ rằng AR là thứ lớn lao tiếp theo của công nghệ sau iPhone. Nhà sáng lập Facebook nói với trang The Verge rằng kính Orion là "tầm nhìn tinh túy" của AR với tư cách "nền tảng điện toán lớn tiếp theo dành cho hàng tỉ người dùng".

Thời còn mang tên là Facebook, Meta Platforms đã bỏ lỡ sự thay đổi nền tảng từ PC (máy tính cá nhân) sang smartphone, với Apple và Google thống trị phần cứng và phần mềm. Khi tung ra phiên bản mới của Facebook, Instagram hoặc WhatsApp, Meta Platforms phải tuân theo các quy tắc của cửa hàng ứng dụng Google và Apple.

Lần này, Mark Zuckerberg hy vọng sẽ đi đầu bằng hệ sinh thái phần mềm và phần cứng của Meta Platforms. "Sau đó, tất cả những thứ khác sẽ được xây dựng xung quanh hệ sinh thái này", tỷ phú 40 tuổi người Mỹ chia sẻ với trang The Verge.

Cả Mark Zuckerberg và Andrew Bosworth đều đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt, đặc biệt là từ Apple.

Vào năm 2020, Tim Cook – Giám đốc điều hành Apple từng nói rằng AR là "điều lớn lao tiếp theo" và nó sẽ "lan tỏa khắp cuộc sống của chúng ta". Apple đã bán ra kính thực tế hỗn hợp Vision Pro vào tháng 2, nhắm đến thị trường cao cấp với mức giá 3.499 USD. Vision Pro hiện phải cạnh tranh với dòng sản phẩm Quest giá rẻ hơn nhiều của Meta Platforms, có giá khởi điểm là 299 USD.

Apple đang nhắm đến phiên bản Vision Pro rẻ và nhẹ hơn giống kính hơn, còn Meta Platforms đang nỗ lực hạ giá để sản xuất kính Orion. Song điểm chung là cả hai công ty đã sẵn sàng để chiến đấu giành quyền kiểm soát sự thay đổi nền tảng tiếp theo.

Mark Zuckerberg biết điều đó và nói rằng Apple là "đối thủ cạnh tranh chính" của Meta Platforms trong thập kỷ tới.

Với sự tồn tại của Orion, ngay cả khi bộ công cụ dành cho nhà phát triển đắt đỏ một cách vô lý, Meta Platforms cảm thấy như đã tìm thấy sản phẩm kế nhiệm tiềm năng cho smartphone.

"Nó có thể làm được điều đó. Đây chính xác là cảm nhận của tôi", Andrew Bosworth nhấn mạnh.

Mark Zuckerberg giới thiệu nguyên mẫu kính Orion tại hội nghị Connect 2024 - Ảnh: Meta Platforms

Jensen Huang, Giám đốc điều hành Nvidia, là một trong số nhiều tên tuổi lớn đã thử nghiệm nguyên mẫu kính Orion trong video được trình chiếu tại hội nghị Connect hôm 25.9.

Để chứng minh ấn tượng tốt mà Orion mang lại cho những người đã thử nghiệm, Mark Zuckerberg đã chiếu một video về phản ứng của mọi người sau khi đeo kính. Video có sự góp mặt của những cái tên nổi tiếng ở Thung lũng Silicon, nhân vật truyền thông và vận động viên Olympic.

Jensen Huang đã gọi trọng lượng 100 gram của kính Orion là "vấn đề lớn" nhưng khen ngợi nhiều khía cạnh khác nhau của công nghệ này.

"Khả năng theo dõi tốt, độ sáng tốt, độ tương phản màu sắc tốt, trường nhìn tuyệt vời", Giám đốc điều hành Nvidia nói trong video được trình chiếu tại hội nghị Connect.

Xem thêm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gặp Lãnh tụ Cách mạng Cuba, Đại tướng Rául Castro Ruz

Orion được Mark Zuckerberg gọi là "chiếc kính tiên tiến nhất mà thế giới từng thấy".

"Hiện tại, tôi nghĩ cách đúng đắn để nhìn nhận Orion là như một cỗ máy thời gian. Những chiếc kính này tồn tại, chúng thật tuyệt vời và là cái nhìn thoáng qua về tương lai mà tôi nghĩ sẽ rất thú vị", tỷ phú 40 tuổi người Mỹ phát biểu.

Mark Zuckerberg tiết lộ đã bắt đầu tập hợp nhóm "những người giỏi nhất thế giới" cách đây khoảng một thập kỷ để chế tạo kính AR này. Mark Zuckerberg nói thêm rằng những thách thức về mặt kỹ thuật để chế tạo Orion là "điên rồ".

"Đây là thế giới vật lý nơi các hình ảnh ba chiều (3D) được phủ lên trên đó", Mark Zuckerberg nói.

Giám đốc điều hành Meta Platforms nêu ra một số thách thức để chế tạo kính Orion, chẳng hạn nhu cầu về trường nhìn rộng trong khi vẫn giữ cho nó nhẹ. Ông nói thêm rằng người dùng cần có khả năng nhìn xuyên qua kính Orion.

Mark Zuckerberg cho biết kính Orion được chế tạo từ một loại kiến trúc hiển thị mới sử dụng các máy chiếu nhỏ để uốn cong ánh sáng tạo ra các hình ba chiều có độ sâu và kích thước khác nhau. Nó làm bằng hợp kim magiê và được cung cấp năng lượng bởi silicon tùy chỉnh do Meta Platforms thiết kế.

Tỷ phú công nghệ nói Meta Platforms vẫn chưa sẵn sàng cung cấp kính Orion cho người tiêu dùng vì Meta Platforms đang tinh chỉnh một số chi tiết và nỗ lực giảm giá bán lẻ. Tuy nhiên, một số nhà phát triển bên ngoài sẽ có thể tiếp cận nó.

Mark Zuckerberg tiết lộ Meta Platforms có kế hoạch làm cho kính Orion nhỏ hơn, đẹp hơn và chi phí thấp hơn trước khi bán ra. Meta Platforms đặt mục tiêu giao chiếc kính AR thương mại đầu tiên đến tay người tiêu dùng vào năm 2027, thời điểm mà những đột phá về mặt kỹ thuật sẽ giúp giảm chi phí sản xuất.

Mark Zuckerberg: Văn hóa Apple rất khác Meta, hai công ty sẽ cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực trong thập kỷ tới

Xuất hiện trực tiếp trên podcast Acquired gần đây, Mark Zuckerberg cho biết Apple sẽ là "đối thủ cạnh tranh chính" của Meta Platforms trong thập kỷ tới.

Mark Zuckerberg cho biết Apple áp dụng phương pháp tiếp cận nền tảng đóng và tinh chỉnh kỹ lưỡng, trong khi Meta Platforms thích mã nguồn mở và tung ra sản phẩm nhanh chóng.

Ngoài ra, Giám đốc điều hành Meta Platforms nói về sự khác biệt trong văn hóa giữa hai công ty.

"Tôi nghĩ theo nhiều cách, chúng tôi giống như đối lập với Apple. Rõ ràng các sản phẩm của họ rất thành công. Họ có cách tiếp cận kiểu như: 'Chúng ta sẽ dành nhiều thời gian, sẽ tinh chỉnh, rồi mới phát hành'. Có lẽ với những gì Apple đang làm, điều đó hiệu quả, nhưng có lẽ nó chỉ phù hợp với văn hóa của họ", tỷ phú 40 tuổi nhận xét.

Mark Zuckerberg nói rằng Meta Platforms tiếp cận việc phát hành sản phẩm theo cách khác: "Có rất nhiều cuộc thảo luận nội bộ mà bạn gần như cảm thấy xấu hổ về chất lượng sản phẩm mà bạn tung ra. Bạn muốn thực sự có một văn hóa đánh giá cao việc tung sản phẩm và nhận phản hồi hơn là luôn phải nhận được những lời khen ngợi tuyệt vời từ mọi người khi phát hành thứ gì đó".

Ý của Mark Zuckerberg là Meta Platforms coi trọng quá trình học hỏi từ phản hồi thực tế hơn là việc đạt được sự công nhận tích cực ngay lập tức từ khách hàng hoặc cộng đồng. Thay vì tập trung vào việc tạo ra một sản phẩm hoàn hảo từ đầu, công ty mẹ Facebook chấp nhận việc sẽ nhận những phản hồi không hay, để từ đó cải tiến sản phẩm tốt hơn.

Nhân cơ hội này, Mark Zuckerberg chỉ trích cách tiếp cận của Apple.

"Nếu muốn chờ đợi đến khi luôn được khen ngợi, bạn sẽ bỏ lỡ rất nhiều thời gian vì có thể học được nhiều thứ hữu ích và sau đó tích hợp chúng vào phiên bản tiếp theo mà bạn sẽ phát hành", ông nói thêm.

Trong podcast Acquired, Mark Zuckerberg còn nói về tương lai mối quan hệ giữa hai công ty, cho rằng mọi người không nhất thiết nghĩ Apple là một trong những đối thủ chính của Meta Platforms, nhưng đó là "đối thủ lớn hơn những gì nhiều người nhận ra".

Mark Zuckerberg cho biết một trong những mục tiêu của ông trong 10 hoặc 15 năm tới là "xây dựng thế hệ nền tảng mở tiếp theo và giúp các nền tảng mở chiến thắng".

Nhà đồng sáng lập Facebook đã công khai ủng hộ các nền tảng mở, trái ngược với "khu vườn có tường bao" nổi tiếng của Apple, trong đó nhà sản xuất iPhone kiểm soát chặt chẽ hệ sinh thái phần cứng và phần mềm của mình. Đó là những quy tắc mà Mark Zuckerberg đã chán phải tuân theo với tư cách là nhà sản xuất ứng dụng cho hệ sinh thái này.

Tỷ phú này thừa nhận rằng có "lợi thế khi thực hiện mô hình khép kín và tích hợp" và nghĩ Apple sẽ là "đối thủ cạnh tranh chính" của Meta Platforms, không chỉ ở khía cạnh sản phẩm.

Sự khác biệt giữa hai công ty mở rộng đến các giá trị cốt lõi của họ.

"Tôi nghĩ rằng theo một số cách, đây là cuộc cạnh tranh sâu sắc về giá trị và ý thức hệ xung quanh tương lai của ngành công nghệ và mức độ cởi mở của các nền tảng này, dù đó là mô hình ngôn ngữ lớn Llama và AI, kính hoặc những thứ khác, với các nhà phát triển", Mark Zuckerberg phát biểu.

Trái ngược Mark Zuckerberg, Tim Cook từng không coi Meta Platforms là một trong những đối thủ lớn nhất của công ty mình.

"Ồ, tôi nghĩ rằng chúng tôi cạnh tranh trong một số lĩnh vực. Nhưng nếu tôi được hỏi đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng tôi là ai, Meta sẽ không được liệt kê. Chúng tôi không kinh doanh mạng xã hội", Tim Cook chia sẻ với tờ The New York Times vào năm 2021.

Song kể từ đó, Apple đã bán ra Vision Pro để cạnh tranh trực tiếp với headset Quest giá rẻ hơn của Meta Platforms, phát triển hoạt động kinh doanh quảng cáo và trình làng bộ tính năng AI tạo sinh riêng (Apple Intelligence) - sẽ bắt đầu triển khai trên iPhone vào tháng 10.

Mark Zuckerberg đang đặt cược lớn vào headset, metaverse và trợ lý kỹ thuật số Meta AI của mình, nhưng Meta Platforms vẫn tiếp tục kiếm được phần lớn tiền từ quảng cáo.

Vì vậy, dù đây có thể không phải là sự cạnh tranh mà Thung lũng Silicon dự đoán cách đây một thập kỷ, rõ ràng Mark Zuckerberg đang chuẩn bị cho cuộc chiến dài hạn.

Sơn Vân