Dự trữ thực phẩm mùa mưa bão

(Báo Quảng Ngãi) Mỗi khi nghe thông tin sắp có mưa lớn, hay có cơn bão hình thành trên Biển Đông, các bà nội trợ ở Quảng Ngãi lại lo tích trữ lương thực, thực phẩm để chủ động nguồn thức ăn cho gia đình khi có thiên tai xảy ra.

Ưu tiên thực phẩm khô, ăn liền

Chị Nguyễn Thị Cẩm, ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) chia sẻ, vào mùa mưa bão hằng năm, nhất là mỗi khi nghe có thông báo sắp có bão hoặc mưa lớn, gia đình tôi lại chuẩn bị sẵn sàng nhiều loại thực phẩm. “Nhờ việc dự trữ đồ ăn thức uống phù hợp mà năm 2020, gia đình tôi mới vượt qua được cơn bão số 9 và những ngày lụt lịch sử”, chị Cẩm nói.

Xem thêm: Góp nhặt những dấu ấn về Hà Nội

Theo chị Cẩm, mỗi khi xảy ra bão, lụt thường hay bị cúp điện, vì thế cần dự trữ các loại thực phẩm khô như cá khô, mì ăn liền, các loại đồ hộp như thịt hộp, cá hộp, xúc xích ăn liền, ruốc khô... Nếu có thông tin về bão lớn và kéo dài thì nên chuẩn bị nhiều bánh mì, bánh ngọt và sữa đặc, phòng trường hợp xấu nhất không thể đun nấu thì vẫn có thực phẩm ăn liền. Đặc biệt, một loại thực phẩm có nhiều dinh dưỡng mà các gia đình nên mua dự trữ là trứng gà, vịt với thời hạn sử dụng từ 15 - 20 ngày.

Các gia đình nên dự trữ loại thực phẩm khô, thưc phẩm ăn liền, đóng lon... trong mùa mưa bão.

Tương tự, chị Trần Thị Thu Hằng, ở phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi), cũng ưu tiên dự trữ các loại thực phẩm khô, ăn liền trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, để chất lượng bữa ăn đảm bảo, chị Hằng dự trữ một số loại thực phẩm tươi sống. Chị Hằng cho biết, các loại thịt heo, bò, gà... có thể chủ động mua và sơ chế sạch, để ở ngăn đá. Với các loại rau quả, ưu tiên lựa chọn các loại có vỏ cứng, ít nước có thể để dài ngày như cà rốt, củ cải, bí, khoai lang, khoai tây... có thể để bên ngoài 4 - 5 ngày.

Xem thêm: Bài thơ 'Tiếng đàn bầu' được dùng làm ngữ liệu thơ đề thi học sinh giỏi Ngữ văn

“Thông thường, các đợt mưa bão kéo dài từ 3 - 4 ngày, nhiều lắm là 1 tuần. Chỉ cần dự trữ đồ ăn đảm bảo cho gia đình trong khoảng thời gian đó thôi. Ngay sau mưa bão thì chợ, siêu thị cũng nhanh chóng mở cửa phục vụ người tiêu dùng rồi. Vì vậy, nên dự trữ vừa phải, không cần mua quá nhiều vì thực phẩm tươi sống để lâu sẽ hư hỏng, gây lãng phí”, chị Hằng bày tỏ.

Một số loại rau xanh như rau cải ngọt, rau ngót, mồng tơi... cũng có thể bảo quản trong tủ lạnh 4 - 5 ngày và 2 - 3 ngày ở nhiệt độ thường trong điều kiện thời tiết mát mẻ.

Chú ý an toàn vệ sinh thực phẩm

Ngoài việc lựa chọn các loại thực phẩm phù hợp, việc dự trữ đúng cách sẽ giúp thực phẩm lâu hỏng và duy trì được hàm lượng dinh dưỡng. Như các loại rau xanh, củ quả cần gói trong 1 lớp giấy báo; các loại thịt phải rửa sạch, để ráo rồi chia thành từng túi nhỏ vừa đủ để nấu 1 bữa ăn, trữ trong ngăn đá hoặc thùng đá kín đặt trên kệ cao để khi cần dùng có thể sử dụng ngay.

Trong trường hợp mất điện, cửa tủ lạnh phải được đóng kín hoàn toàn để duy trì độ lạnh. Tuy nhiên, thời gian duy trì độ lạnh chỉ từ 24 - 48 tiếng đồng hồ. Vì vậy, sau khoảng thời gian này vẫn chưa có điện trở lại thì các loại thịt đã nấu chín hoặc còn sống; cá, trứng, sữa và các sản phẩm làm từ sữa... không nên sử dụng. Không ăn những thức ăn có dính nước lụt hoặc thức ăn được lấy ra từ những thùng bị thấm nước lụt.

Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), ngay cả khi những thức ăn này không phát ra mùi hôi nhưng vẫn có thể chứa vi khuẩn mang mầm bệnh. Đặc biệt, đối với những người có hệ miễn dịch yếu như trẻ em, phụ nữ mang thai và người cao tuổi, nguy cơ ngộ độc thực phẩm tăng cao.

Ngoài thực phẩm, các gia đình cũng cần chủ động dự trữ đủ nước sạch để sử dụng trong những ngày mưa bão. Tận dụng trữ nước sạch trong các bể, thùng, xô chậu... nhiều nhất có thể, để phòng trường hợp bị cắt nước. Ngoài ra, phải chuẩn bị nhiều nước uống, nước đóng chai và bảo quản ở nơi cao ráo.

Bài, ảnh: VŨ YẾN