'Đời thủy thủ - Bước chân trên sóng cả', cuốn sách đầu tiên về thuyền viên Việt Nam

Các nhân vật trong sách giao lưu cùng bạn đọc tại Trường cao đẳng Hàng hải 2 - Ảnh: Tiểu Vũ

Chiều 25.6, tại TP.HCM, Nhóm thúc đẩy truyền thông về thuyền viên gồm các thành viên nòng cốt của CLB Thuyền trưởng Việt Nam phối hợp với Trường cao đẳng Hàng hải 2 tổ chức ra mắt cuốn sách Đời thủy thủ - bước chân trên sóng cả (tác giả Lê Vân - Vỹ Khương; NXB Hồng Đức, 2024). Đây là dự án sách đầu tiên về thuyền viên Việt Nam được triển khai từ tháng 9.2023 và hoàn thành vào tháng 6.2024, đúng vào dịp Ngày quốc tế thuyền viên (The Day of Seafarers) được tổ chức vào 25.6 hằng năm.

Tập sách gồm 4 chương Những bước chân đầu tiên, Đi biển thời… khó, Lính đánh thuê thời hội nhập, Để nhớ một thời biển cả. Mỗi chương của trang sách sẽ giúp người đọc phần nào hình dung được cuộc đời đa dạng của những người ngày đêm theo con thuyền lênh đênh trên biển cả.

Xem thêm: Đông đảo sĩ tử kéo đến một điểm du lịch nổi tiếng ở Hà Nội

Chị Nguyễn Thị Hồng - thuyền trưởng nữ đầu tiên của Việt Nam - Ảnh: Tiểu Vũ

Đời thủy thủ - bước chân trên sóng cả được xem như một hải trình ngược thời gian trở về với từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Đó là những con tàu mang ký hiệu “GP” ra đời từ những năm 1968 -1973 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ qua hồi ký của cựu thủy thủ Vũ Văn Mậu. Tiếp theo đó là hồi ký của ông Nguyễn Văn Quế, được xem là người Việt đầu tiên có bằng thuyền trưởng do Pháp cấp, những câu chuyện của ông đã cho chúng ta cũng thấy được khát vọng chinh phục đại dương của người Việt.

Xem thêm: UNESCO khuyến nghị đưa Stonehenge vào danh sách di sản thế giới bị đe dọa

Những bước chân trên sóng cả còn là những bước chân đầu tiên trong hải trình của những người từng có một thời thanh xuân với mong muốn cống hiến nhiều nhất cho quê hương, tổ quốc. Đó là câu chuyện của thuyền trưởng (Capt) Nguyễn Mạnh Hà, người được xem là “thuyền trưởng trẻ nhất trong chiến tranh”. Thuyền trưởng Nguyễn Mạnh Hà cũng là một nhân vật khá đặc biệt, khi sở hữu chiều cao khá khiêm tốn (1,58m) nhưng anh đã khiến cho mọi người phải nể phục bởi tính cách mạnh mẽ quyết đoán trong các tình huống trên biển. Đó là Trần Khánh Dư, Capt lẫy lừng một thời khi lái con tàu Cửu Long huyền thoại vào nam ra bắc. Đây là con tàu trọng tải 1.500 tấn duy nhất lúc bấy giờ chuyên chở xăng dầu, hàng hóa cung cấp cho chiến trường miền Nam.

Câu chuyện của kỹ sư hàng hải Doãn Mạnh Dũng về lần thoát chết trên tàu Cửu Long ngày 31.12.1971 đã khiến mọi người vừa cảm phục vừa xúc động, được xem như những thước phim tư liệu sống động về một thời đã qua.

Video nữ thuyền trưởng Nguyễn Thị Hồng kể chuyện cứu người trong bão biển:

Với nỗ lực trân trọng và nhắc nhớ quá khứ, nhóm tác giả cũng như nhóm thực hiện dự án sách đã cố gắng đưa vào tác phẩm nhiều nhân vật lịch sử của ngành hàng hải Việt Nam, như thầy giáo - thuyền trưởng Tiếu Văn Kính, người đầu tiên soạn bộ sách Sổ tay hàng hải; bà Nguyễn Thị Hồng - thuyền trưởng nữ đầu tiên của Việt Nam... Dù mỗi nhân vật chỉ dừng ở lát cắt, nhưng đó là sự ghi nhận đáng quý.

Ban tổ chức tặng hoa cho các cựu thuyền trưởng, thủy thủ, kỹ sư hàng hải nhân dịp ra mắt sách - Ảnh: Tiểu Vũ

Bên cạnh đó, tập sách cũng dành nhiều trang viết về thế hệ thủy thủ trẻ hôm nay. Họ được xem là “lính đánh thuê thời hội nhập”. Trong đó đặc biệt có những nữ thủy thủ đi tàu viễn dương. Không đơn thuần chỉ là một lựa chọn nghề nghiệp, đó còn là niềm đam mê khát khao chinh phục đại dương của những cô gái Việt Nam còn rất trẻ.

Dù có thể chưa vẽ lên một bức tranh toàn cảnh hàng hải Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử nhưng có thể nói Đời thủy thủ - bước chân trên sóng cả đã cho chúng ta những mảnh ghép lớn, những góc nhìn rất chân thật, thú vị về cuộc sống của các thuyền viên Việt Nam.

Tiểu Vũ