Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm, làm việc với Tổng cục Công nghiệp quốc phòng

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ duyệt đội danh dự. Ảnh: Lâm Hiển

Cùng đi có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang và các Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga; Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến thăm và làm việc tại Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, Bộ Quốc phòng. Ảnh: Lâm Hiển

Xem thêm: Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Kho bạc

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác đã nghe Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ nhiệm Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Trung tướng Hồ Quang Tuấn báo cáo về kết quả đạt được của Tổng cục công nghiệp quốc phòng từ đầu nhiệm kỳ, định hướng, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới; tình hình thực hiện xây dựng dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ vui mừng lần đầu tiên trên cương vị Chủ tịch Quốc hội đến thăm Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, chứng kiến những thành tích mà đơn vị đã đạt được sau gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.

Ôn lại lịch sử phát triển của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng từ những ngày đầu thành lập, Chủ tịch Quốc hội cho biết, chỉ 13 ngày sau khi Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh thành lập Phòng Quân giới trực thuộc Bộ Quốc phòng - tiền thân của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng ngày nay, có nhiệm vụ thu thập, mua sắm và tổ chức cơ sở sản xuất vũ khí, trang bị cho Quân đội. Ra đời trong những năm tháng đất nước gặp muôn vàn khó khăn, ngành Quân giới non trẻ khi đó đã vận động trí thức, công nhân và các tầng lớp Nhân dân tự nguyện đóng góp vàng, bạc, máy móc, nhà cửa, trí tuệ, cùng sức lực của mình để cho ra đời hàng trăm binh xưởng, công xưởng sản xuất các loại vũ khí, chuẩn bị cho quân dân ta thực hiện cuộc chiến tranh nhân dân rộng khắp.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham quan khu trưng bày các sản phẩm công nghiệp quốc phòng. Ảnh: Lâm Hiển

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, ngành Quân giới đã tập trung sản xuất vũ khí bộ binh thông thường, nghiên cứu, cải tiến thành công một số loại vũ khí do các nước bạn viện trợ; nghiên cứu và chế tạo các phương tiện rà phá bom từ trường, rà phá thủy lôi của địch; tận dụng vũ khí đoạt được của địch để chế tạo ra nhiều vũ khí phục vụ đánh địch hiệu quả... góp phần quan trọng vào chiến thắng của dân tộc, thống nhất non sông, đất nước.

Bước vào giai đoạn đất nước hòa bình, thống nhất, trước yêu cầu, nhiệm vụ mới của sự nghiệp cách mạng, ngành Công nghiệp Quốc phòng bước sang chặng đường phát triển mới, tập trung phát triển sản xuất quốc phòng và tham gia xây dựng kinh tế đất nước.

Xem thêm: Tuyên dương 05 huấn luyện viên, vận động viên đạt thành tích cao

Với những thành tích xuất sắc đã đạt được, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Sao Vàng (năm 1996), 3 Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1984, 2000, 2010), Huân chương Quân công hạng nhất (năm 2005), Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2014) và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham quan khu trưng bày các sản phẩm công nghiệp quốc phòng. Ảnh: Lâm Hiển

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương thành tích của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng trong những năm qua.

Phân tích những thuận lợi và thách thức đặt ra đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới nói chung và phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng nói riêng, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng.

Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm cần tập trung phát triển công nghiệp quốc phòng trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, trong đó công nghiệp quốc phòng vừa là nòng cốt, vừa giữ vai trò dẫn dắt công nghiệp quốc gia phát triển; tăng cường và đa dạng hóa nguồn lực đầu tư phát triển tiềm lực công nghiệp quốc phòng; mở rộng liên kết công nghiệp quốc phòng với công nghiệp an ninh và công nghiệp quốc gia; xác định rõ xây dựng công nghiệp quốc phòng Việt Nam chủ động, tự lực, tự cường, lưỡng dụng hiện đại, trong đó phát huy nội lực là yếu tố quyết định, gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia là vấn đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký sổ lưu niệm. Ảnh: Lâm Hiển

Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu cần chú trọng thu hút, phát triển nguồn nhân lực cao cho công nghiệp quốc phòng. Đây là giải pháp cơ bản, then chốt, quyết định sự phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng cả trước mắt và lâu dài. Cùng với xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng nguồn nhân lực, phù hợp với mục tiêu, lộ trình xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng, Tổng cục cần tiếp tục đề xuất, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp, nhằm thu hút nhân tài, tiềm năng chất xám từ các tổ chức kinh tế - xã hội, cơ sở nghiên cứu, viện thiết kế trong và ngoài nước tham gia các chương trình, dự án công nghệ cao của công nghiệp quốc phòng.

Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của Tổng cục Quốc phòng liên quan đến dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, tại Kỳ họp thứ Sáu vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật này, đánh giá cao sự chủ động, kịp thời của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng, Bộ Quốc phòng trong việc tiếp thu ý kiến của cơ quan thẩm tra cũng như kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về chủ trương chung, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ ủng hộ các cơ chế, chính sách được đề xuất trong dự án Luật nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, khắc phục các tồn tại, vướng mắc trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, tạo bước đột phá đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp thời gian tới. Để bảo đảm cao nhất về chất lượng dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Quốc phòng, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng phối hợp chặt chẽ với cơ quan của Quốc hội nghiên cứu thật kỹ ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tổ chức thêm các buổi tọa đàm, hội thảo, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học nhằm quy định đầy đủ các cơ chế, chính sách đặc thù, bảo đảm tính khả thi, hiệu quả trong triển khai thực hiện và phù hợp, tương thích với hệ thống pháp luật hiện hành.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Đảng, Nhà nước, Quân đội, Nhân dân luôn đặt trọn niềm tin vào nền công nghiệp quốc phòng của đất nước, sẽ luôn quan tâm lãnh đạo và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Tổng cục phát triển với mong muốn đất nước ta có thể tự chủ về vũ khí, trang bị, nhất là những vũ khí công nghệ hiện đại để nâng cao tiềm lực quốc phòng, khả năng tác chiến trên thực địa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Với truyền thống của đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng bề dày 78 năm xây dựng và phát triển, Chủ tịch Quốc hội tin tưởng rằng, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng sẽ tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Quân giới Việt Nam; không ngừng đoàn kết, sáng tạo, xây dựng Tổng cục trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội hiện đại, chính quy, tinh nhuệ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Phạm Thúy