Bình Khê: Nơi ghi dấu cuộc chia tay lịch sử

“Đến Bình Định mà không ghé thăm Huyện đường Bình Khê (nay thuộc thôn Thượng Giang, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn) là thiếu sót lớn, nhất là các thành viên trong đoàn Bình Thuận hầu hết làm ở cơ quan truyền thông, tuyên giáo. Các anh có thể đến đó tìm hiểu về vùng đất mà trước khi người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến tìm gặp cha mình là cụ Nguyễn Sinh Sắc, sau đó hai cha con chia tay, để rồi Nguyễn Tất Thành tiếp tục hành trình vào Phan Thiết, sau đó vào Sài Gòn, ra đi tìm đường cứu nước”, lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy Bình Định gợi mở - và đoàn chúng tôi không thể không đi.

Tượng cụ Nguyễn Sinh Sắc.

Theo tài liệu Hội thảo khoa học “Nguyễn Tất Thành ở Bình Định” - năm 2009, thời gian Nguyễn Tất Thành ở Bình Định kéo dài trong khoảng 1 năm 3 tháng (từ khoảng trung tuần tháng 5/1909 đến tháng 8/1910) bắt đầu từ việc theo cha và anh trai (Nguyễn Tất Đạt) vào đây để cha chấm thi Hương tại Trường thi Bình Định. Con trai Nguyễn Tất Đạt theo hầu tráp cha tại Trường thi, con trai Nguyễn Tất Thành được cha gửi vào nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ, lúc ấy đang dạy lớp cao đẳng tại Trường tiểu học Pháp Việt ở Quy Nhơn, để học thêm tiếng Pháp. Ngày 1/7/1909, Nguyễn Sinh Sắc lên Bình Khê nhậm chức Tri huyện. Và từ đó, Nguyễn Tất Thành lên xuống Huyện đường Bình Khê thăm cha.

Xem thêm: Di tích văn hóa lịch sử quốc gia: Tháp Pô Dam (Pô Tằm) ở Tuy Phong

Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc khánh thành vào tháng 5/2015 là quần thể kiến trúc được xây dựng trên mặt bằng hơn 2,6 ha. Trung tâm Khu tưởng niệm là Đền thờ Nguyễn Sinh Sắc. Trước mặt và hai bên đền là nhà lưu niệm, nhà Huyện đường Bình Khê phục chế (theo hình thức kiến trúc Bình Định trong những năm đầu thế kỷ 20), nhà bia di tích, nhà tiếp khách, nhà vọng cảnh, cột cờ, hồ sen... Nội dung trưng bày nội thất Nhà lưu niệm gồm hai chủ đề chính: Phần chủ đề về “Nguyễn Sinh Sắc, thân thế cuộc đời và sự nghiệp” chiếm 70%, còn lại là chủ đề “Nguyễn Tất Thành với Bình Định”.

Đoàn Bình Thuận thăm khu tưởng niệm.

Tại khu đất di tích Huyện đường Bình Khê trước đây, qua thời gian và thăng trầm lịch sử hầu như không còn lại gì… Khi các nhà chuyên môn xác định đây là nơi mà thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đã từng làm việc tại Huyện đường và người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã đến đây thăm cha, khi người dừng chân ở Bình Định trên hành trình tìm đường cứu nước, cứu dân, cán bộ và nhân dân địa phương mong muốn có một công trình văn hóa xứng tầm cho sự kiện lịch sử trên quê hương. Người dân nơi đây đã thỏa lòng mong đợi từ lâu về công trình thể hiện tinh thần “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, người mà theo lời kể của các bậc cao niên trong thôn khi còn sống là vị quan đức độ, thương dân”.

Theo thuyết minh của khu tưởng niệm này thì vào một buổi chiều người thanh niên Nguyễn Tất Thành đến thăm cha, cụ Sắc hỏi: Con đi đâu đây? Nguyễn Tất Thành trả lời: Con đi tìm cha. Cụ Sắc trả lời: Nước mất không lo, lại lo đi tìm cha, cho dù cha có chuyện gì đi chăng nữa con không nên quay lại nơi này. Nước mất hãy đi tìm nước chớ tìm cha. Có lẽ chính bởi câu nói này, đã khiến anh thanh niên Nguyễn Tất Thành mở lòng, bày tỏ lo toan cho vận mệnh của đất nước, của dân tộc, như một sự khích lệ, động viên Bác quyết định ra đi tìm đường cứu nước.

Đây chính là địa điểm của cuộc gặp lịch sử và chia tay giữa hai cha con. Để rồi sau đó Nguyễn Tất Thành vào Phan Thiết dạy học, vào Sài Gòn rồi xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước. Hơn 30 năm sau quay lại Việt Nam, Bác đã không thể gặp lại người cha thân yêu của mình?

Xem thêm: Không tổ chức diễu binh Kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội

Di tích khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc được xếp hạng là di tích quốc gia vào tháng 3/2018. Ngày nay khu tưởng niệm được người dân trong ngoài tỉnh, du khách đến tham quan tìm hiểu, nghiên cứu…

CÔNG NAM