Bão số 3 mạnh cấp 14, giật cấp 17, Bắc bộ mưa lớn diện rộng

Bản tin nhanh về bão Yagi của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia phát lúc 9 giờ có các thông tin sau:

Vị trí tâm bão: Khoảng 20.5 độ Vĩ Bắc; 107.8 độ Kinh Đông, trên vùng biển Quảng Ninh – Hải Phòng.

Sức gió mạnh nhất: Cấp 13-14 (134-166km/h), giật cấp 17.

Xem thêm: Nhật Bản ấn định thời điểm bầu Thủ tướng mới

Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20km/h.

Do ảnh hưởng của bão số 3, tại đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), đêm qua, rạng sáng 7.9 có mưa rất to, gió mạnh cấp 11, giật cấp 13. Nguồn video: Vietnam+

Lúc 4 giờ ngày 7.9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,4 độ Vĩ Bắc; 108,7 độ Kinh Đông, trên vùng biển vịnh Bắc bộ; cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 180 km về phía Đông Nam, cách Quảng Ninh-Hải Phòng khoảng 220 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-166 km/giờ), giật cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20 km/giờ.

Từ 9 giờ 15 phút, khu vực Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) mưa to hơn, gió giật mạnh. Ảnh: Minh Chiến/Báo Người Lao Động

Bão Yagi làm đổ nhiều cây tại thành phố Thái Bình. Ảnh: Vietnam+

Chính phủ lập Bộ Chỉ huy tiền phương tại Hải Phòng để ứng phó bão số 3

Sáng 7.9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đến Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia kiểm tra tình hình diễn biến bão số 3 đang tiến vào các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, TP. Hải Phòng.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà theo dõi diễn biến bão số 3 đang đổ bộ vào các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, TP. Hải Phòng. Ảnh: Minh Khôi

Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Khí tượng thủy văn thông tin ngắn gọn, chính xác và đánh giá tình hình hiện nay khi cơn bão này chính thức đổ bộ; dự báo thời điểm tác động trực tiếp đến các vùng ven biển và đất liền (từ 11h tới 17h, ngày 7.9); đưa ra các khuyến cáo, dự báo tình huống cụ thể ở các địa phương và vùng đất liền, từ đó đưa ra phương hướng xử lý khẩn trương, kịp thời.

Phó Thủ tướng đề nghị Tổng cục Khí tượng thủy văn theo dõi sát sao công tác dự báo tình hình, mức độ vượt lên so với dự báo để đưa thông tin chính xác nhất có thể tại các vùng ven biển, vùng đất liền.

"Công tác dự báo phải theo sát diễn biến, cập nhật liên tục, nhất là từng thời điểm khi hoàn lưu bão vào, bão đổ bộ, hoàn lưu sau bão, để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành nhanh chóng, kịp thời, để người dân nắm được tình hình để chủ động phòng tránh theo hướng dẫn của lực lượng chức năng", Phó Thủ tướng nói.

Bố trí gần 100.000 cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm phương tiện đặc chủng

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cũng cho biết, các hồ chứa ở Bắc bộ đã được đưa về mức nước tích lũ. Hệ thống đê biển, đê ven sông có khả năng bị tràn, khi có sóng lớn, lũ dâng và các địa phương đã có phương án ứng phó.

Trung Tướng Doãn Thái Đức, Cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn cho biết, đến nay Bộ Quốc phòng đã bố trí gần 100.000 cán bộ, chiến sĩ, hàng trăm phương tiện đặc chủng, sẵn sàng ứng phó bão số 3 trong mọi tình huống.

Bão số 3 có sức gió mạnh cấp 11 trên đất liền phía Đông Bắc bộ

Đến 16 giờ ngày 7.9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông trên đất liền phía Đông Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 13, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20 km/giờ. Khu vực chịu ảnh hưởng là Bắc vịnh Bắc bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Quảng Ninh, Hải Phòng, độ rủi ro cấp 4; khu vực Nam vịnh Bắc bộ, vùng biển ven bờ và đất liền Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa, độ rủi ro cấp 3.

Đến 16 giờ ngày 7.9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21 độ Vĩ Bắc; 106,9 độ Kinh Đông trên đất liền phía Đông Bắc bộ, có sức gió mạnh cấp 11, giật cấp 13.

Đến 4 giờ ngày 8.9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông; trên đất liền các tỉnh Việt Bắc Bắc bộ. Sức gió dưới cấp 6, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20 km/giờ, đi sâu vào đất liền, suy yếu và tan dần. Khu vực chịu ảnh hưởng là vịnh Bắc bộ, vùng biển ven bờ và đất liền các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa, độ rủi ro cấp 3.

Vùng biển vịnh Bắc bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có gió mạnh cấp 9-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.

Trên đất liền, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11; thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối 7.9.

Tại TP Hạ Long, Quảng Ninh, bão số 3 gây ra gió cấp 5, cấp 6 và mưa rải rác từ rạng sáng 7.9.

Khu vực vịnh Bắc bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) có sóng cao 3-5 m, vùng gần tâm bão đi qua 6-8m. Vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sóng cao 2-3m, sau tăng lên 2-4m, vùng gần tâm bão 3-5m.

Khu vực ven biển từ Thanh Hóa đến Quảng Ninh cần đề phòng nước dâng do bão cao từ 0,5m (Thanh Hóa)-2m (Quảng Ninh) vào chiều và đêm 7.9. Ven biển Quảng Ninh -Hải Phòng cần đề phòng nước rút khoảng 0,5m vào khoảng sáng và trưa 7.9.

Xem thêm: Đoàn viên hỗ trợ sơ tán người dân tránh bão số 3, khắc phục hậu quả sau cơn dông lốc

Các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng/rút do bão. Các khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông đề phòng nguy cơ ngập do nước dâng và sóng lớn.

Bão số 3 gây mưa lớn diện rộng ở Bắc bộ

Ngoài ra, từ ngày 7 đến sáng 9.9, khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350mm, có nơi trên 500mm, mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc bộ tập trung trong ngày và đêm 7.9; phía Tây Bắc bộ từ tối 7.9 đến đêm 8.9. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, khu vực phía Tây Bắc bộ, khu vực từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, tố, lốc và gió giật mạnh.

Thời tiết các khu vực ngày và đêm 7.9, phía Tây Bắc bộ nhiều mây, có mưa to đến rất to. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 3-5; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C, có nơi dưới 22 độ C. Nhiệt độ cao nhất 27-30 độ C.

Phía Đông Bắc bộ nhiều mây, có mưa to đến rất to. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 6-8, giật cấp 9-11; riêng vùng ven biển gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14. Nhiệt độ thấp nhất 23-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 26-29 độ C.

Thủ đô Hà Nội nhiều mây, có mưa to đến rất to. Gió Bắc đến Tây Bắc cấp 6-8, giật cấp 9-11. Nhiệt độ thấp nhất 24-26 độ C. Nhiệt độ cao nhất 26-28 độ C.

Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế nhiều mây, có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to đến rất to. Gió Tây đến Tây Nam cấp 3-5; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 25-28 độ C. Nhiệt độ cao nhất phía Bắc 27-30 độ C, phía Nam 30-33 độ C, có nơi trên 33 độ C.

Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Bình Thuận có mây, có mưa rào và dông vài nơi. Gió Tây đến Tây Nam cấp 2-4; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 26-29 độ C. Nhiệt độ cao nhất 31-34 độ C.

Khu vực Tây Nguyên nhiều mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có nơi mưa to. Gió Tây Nam cấp 2-3; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 21-24 độ C. Nhiệt độ cao nhất 26-29 độ C, có nơi trên 29 độ C.

Khu vực Nam bộ nhiều mây, có mưa rào và dông vài nơi, riêng chiều và tối có mưa, mưa vừa và dông, cục bộ có nơi mưa to. Gió Tây Nam cấp 2-3; trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nhiệt độ thấp nhất 24-27 độ C. Nhiệt độ cao nhất 29-32 độ C, có nơi trên 32 độ C.

Bão số 3 đi vào Vịnh Bắc bộ: Thủ tướng chỉ đạo tập trung ứng phó bão và mưa lũ sau bão

Đêm ngày 6.9.2024, bão số 3 đã đi vào Vịnh Bắc bộ, ảnh hưởng đến các tỉnh Bắc bộ gây gió mạnh, mưa lớn, nguy cơ cao xảy ra ngập lụt tại các đô thị, vùng thấp trũng, sạt lở đất, lũ quét ở trung du và miền núi. Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 88/CĐ-TTg yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão.

Để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của Nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

  1. Các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, có hiệu quả chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 86/CĐ-TTg ngày 03 tháng 9 năm 2024 và số 87/CĐ-TTg ngày 05 tháng 9 năm 2024, tập trung ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân và nhà nước.

  2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố nêu trên, căn cứ diễn biến tình hình bão, mưa lũ thực tế tại địa phương khuyến cáo người dân hạn chế đi ra ngoài đường nếu không có việc thực sự cần thiết; quyết định việc cho học sinh các cấp nghỉ học để bảo đảm an toàn.

  3. Giao các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ theo lĩnh vực công tác được phân công, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Công điện này.

Văn phòng Chính phủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện Công điện này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề đột xuất, phát sinh.

Các lực lượng hỗ trợ đảm bảo các điều kiện sinh hoạt cho người dân huyện Cô Tô, Quảng Ninh di chuyển đến nơi tránh trú an toàn.

Quảng Ninh: "Đêm trắng" phòng chống bão số 3

Thực hiện công tác phòng, chống bão, tỉnh đã thành lập 7 đoàn công tác đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3 trên địa bàn; phân công các đồng chí thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh chủ động xuống cơ sở để chỉ đạo về công tác ứng phó với bão số 3. Các địa phương đã phân công các đồng chí lãnh đạo trực tiếp phụ trách từng địa bàn và thành lập 48 đoàn công tác xuống cơ sở để kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống tại địa phương.

Các địa phương và lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn tỉnh đã huy động 2.663 cán bộ chiến sĩ và xung kích phòng chống thiên tai, 68 ô tô các loại, 18 tàu, 59 xuồng, 6 xe đặc chủng. Tất cả đều ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có yêu cầu. Đồng thời chuẩn bị vật tư phòng, chống thiên tai gồm: 64.290m2 vải bạt chống sóng; 13.828m3 đá hộc; 240.883 chiếc bao tải; 3.608 chiếc rọ thép; 4.961 kg dây thép; 5.550 m2 vải lọc… Các loại vật tư trên được bảo quản trong kho và tập kết tại những vị trí xung yếu trên các tuyến đê.

Quảng Ninh cũng tiến hành cấm biển từ 11 giờ ngày 6.9.2024; cơ bản hoàn thành việc kêu gọi tàu thuyền về nơi neo đậu, di dời người dân về nơi an toàn trước 16h ngày 6.9.

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, ngay trong đêm ngày 6.9, rạng sáng ngày 7.9, TX Quảng Yên đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các xã, phường, chỉ đạo công tác ứng phó, đảm bảo ứng trực 24/24h. Cùng với đó, lãnh đạo thị xã đã đi kiểm tra các cửa đê dọc tuyến đê Hà Nam. Theo rà soát của thị xã Quảng Yên, trên dọc tuyến đê Hà Nam dài 34km có tổng số 70 cửa đê cần phải tiến hành lắp cánh phai.

Đêm ngày 6.9, rạng sáng ngày 7.9, toàn huyện Cô Tô đã thực hiện di tản gần 800 người đến nơi tránh bão an toàn đảm bảo các điều kiện sinh hoạt.

Tiếp tục cập nhật...

VGP

Máy bay của các hãng hàng không tại Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh: PV