Bài 5: Các trạm y tế xã 'thay da đổi thịt,' thu hút người dân đến khám chữa bệnh

Thời gian gần đây, nhiều trạm y tế cả 3 miền Bắc-Trung-Nam được thụ hưởng từ các dự án nâng cao năng lực y tế cơ sở đã có diện mạo hoàn toàn mới. Cơ sở vật chất khang trang, những trạm y tế mới xây được quy hoạch rộng rãi, thoáng mát.

Người bệnh từ người già đến trẻ nhỏ khi đến Trạm y tế đều rất yên tâm và phấn khởi khi tuyến đầu chăm sóc sức khỏe cho họ được cải thiện, tạo nên một “bước đột phá” mới tạo nên sự tin tưởng trong lòng người dân.

Khi niềm tin của người dân “đặt đúng chỗ"

Xem thêm: Nủ ơi, Nủ à…

Trời miền Tây nắng như đổ lửa, cái nắng cắt da cắt thịt gần 40 độ C khiến người đi ngoài đường cảm thấy oi bức, ngột ngạt. Bên trong Trạm Y tế xã Mỹ Chánh (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh), bé gái 2 tuổi được chị T.H.T. nhanh chóng đưa vào Phòng Cấp cứu, y sỹ đa khoa Thạch Tâm theo vội vàng đến thăm khám và xử lý các vết thương cho bé. Chị T. cho hay con gái đang chơi thì bị ngã.

Y sỹ Thạch Tâm đã nẹp tay và nẹp chân sơ cứu ban đầu cho bé. Khi y sỹ Tâm chưa kịp băng bó xong cho bé gái, thì một bệnh nhân khác là bà Thật Thị Tã Nguyệt, 53 tuổi, ở xã Trường Thọ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh chân đi khập khiễng, gương mặt dường như tái lại, nhăn nhó vì đau. Một cánh tay thõng xuống, bà Nguyệt đi chầm chậm vào khu vực phòng cấp cứu của Trạm Y tế xã Mỹ Chánh.

Căn phòng cấp cứu rộng chừng hơn 10 mét vuông với 2 chiếc giường bệnh hiện tại có đủ bệnh nhân. Chỉ trong chốc lát, ba nhân viên y tế của Trạm hỏi bệnh nhân về tình trạng. Điều dưỡng Cao Thị Kim Ngọc nhanh tay lấy hộp dụng cụ chuẩn bị để y sỹ đa khoa Thạch Tâm băng bó và sát khuẩn, sơ cứu cho bệnh nhân, còn dược sỹ Sơn Thị Sê Tha chuẩn bị thuốc và những vật dụng cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Nhâm lấy thuốc tại Trạm y tế Vĩnh Hậu A, tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Y sỹ Tâm sát khuẩn trên phần da ở cánh tay bệnh nhân Nguyệt nham nhở bị tổn thương đỏ rực lên do cú ngã gây ra, đau đớn hiện rõ rệt trên gương mặt. Khẽ nhíu mày chịu đựng cơn đau, bà Nguyệt cho hay vừa bị choáng, ngã ở nhà và cảm nhận có dấu hiệu đau ở cánh tay, chân. Sau khi ổn định tinh thần, người nhà chở bà đến Trạm Y tế xã Mỹ Chánh để khám ban đầu.

Sau khi băng bó vết thương và nẹp cố định phần cánh tay bị đau của bệnh nhân Nguyệt, y sỹ đa khoa Thạch Tâm cho hay bệnh nhân cần lên Trung tâm y tế huyện để chiếu chụp chuyên sâu hơn về những tổn thương có thể gây ra.

Tại Trạm y tế Vĩnh Hậu A, (tỉnh Bạc Liêu), bà Nguyễn Thị Nhâm, 52 tuổi, ở ấp 17, xã Vĩnh hậu A đang chờ lấy thuốc. Bà bảo mỗi tháng đều tới đây để khám và lấy thuốc đều đặn.

“Sau khi khám, tôi được bác sỹ phát thuốc và về nhà dùng rất hiệu quả. Có những lần tôi ra được phát thuốc điều trị bệnh tăng huyết áp, dạ dày, khớp. Chỉ khi bệnh nặng tôi mới lên bệnh viện tỉnh để thăm khám và chiếu chụp siêu âm. Sau khi bệnh giảm, tôi lại ra trạm y tế xã lấy thuốc uống hàng tháng theo sự kê đơn của bác sỹ,” bà Nhâm tâm sự.

Bà Nhâm cho hay cả hai vợ chồng bà hàng tháng đều ra trạm y tế xã khám để lấy thuốc. Chồng bà trước kia bị tai biến nên đi lại hơi khó khăn, nhưng khi ra trạm y tế xã rất tiện, có lối đi riêng dành cho người khuyết tật, người đi lại vận động không được nhanh nhẹn. Còn bà thì đã theo dõi và uống thuốc tăng huyết áp theo chỉ định 2 năm nay tại trạm.

“Trạm y tế cũ trước kia ở khu vực trũng thấp nên hay bị ngập vì vậy mọi người ngại đi ra đó khám chữa bệnh. Ngoài ra, trạm y tế cũ xã rất chật, hẹp, không có chỗ ngồi, hôm nào thời tiết nắng nóng ai cũng muốn lấy nhanh thuốc rồi đi về, cán bộ y tế cũng vất vả. Từ năm ngoái, trạm y tế mới đã được khánh thành, khang trang sạch sẽ lại ở khu vực cao bởi vậy không còn ngập nữa. Nơi đây cũng có nhiều thiết bị hơn nên người dân trong xã rất tin tưởng và phấn khởi đi khám thường xuyên,” bà Nhâm cho hay.

Y sỹ Thạch Tâm cấp cứu và sơ cứu vết thương cho 2 bệnh nhân cấp cứu tại Trạm Y tế xã Mỹ Chánh (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh). (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Hôm chúng tôi đến Trạm y tế xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) đúng vào ngày triển khai tiêm chủng cho trẻ nhỏ nên lượng người đến trạm y tế đông đúc hơn mọi ngày. Có người già đến khám chữa bệnh và rất nhiều bậc phụ huynh đưa trẻ đến tiêm chủng khi xã tổ chức tiêm chủng ngày đầu tháng.

Bế em bé Đoàn Tố My đưa đi tiêm chủng, chị Nguyễn Thị Sáng (29 tuổi, ở Bình Mỹ - Cam Tuyền) cho hay Trạm y tế cũ đã xuống cấp, bây giờ đưa con đi tiêm chủng mở rộng tại trạm y tế mới đỡ vất vả hơn rất nhiều lần. Trẻ được chờ tiêm ở khu vực thoáng mát, khu vực khám sàng lọc rộng rãi, phòng tiêm và theo dõi sau tiêm cũng đảm bảo mát vào mùa hè, ấm vào mùa đông.

Cùng với chị Sáng, nhiều ông bố, bà mẹ đưa con đi tiêm chủng mở rộng. Họ đều chia sẻ niềm vui vì "bộ mặt mới" của trạm, trong đó vui nhất là không phải chờ đợi trong điều kiện nóng nực và chật chội... cán bộ rất thân thiện và tư vấn nhiệt tình.

Ngược lên vùng Tây Bắc của Tổ quốc, tại Trạm Y tế xã Mù Sang (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), anh Giàng A Lùng (21 tuổi, người dân tộc Mông ở xã Mù Sang) chở xe máy đưa vợ tới trạm y tế xã để khám thai định kỳ.

Anh Lùng cho hay từ nhà anh tới Trạm Y tế xã đi xe máy chỉ mất 10 phút. Nhiều tháng nay anh đưa vợ là chị Lý Thị Số (20 tuổi) đến Trạm Y tế khi đang mang bầu bé thứ hai. Chị Số cho biết chị sinh bé trai đầu (hiện đã hơn 1 tuổi) ở trạm y tế rất an toàn nên hoàn toàn tin tưởng vào sự theo dõi y tế của nhân viên y tế của trạm.

Chị Lý Thị Số tâm sự những năm qua, nhờ sự tuyên truyền vận động của các cô đỡ thôn bản, họ đã tiếp cận đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, bảo vệ bà mẹ, trẻ em dưới 5 tuổi ngay tại địa bàn cư trú, thay vì chọn cách tự chăm sóc bản thân, rồi sinh con ở nhà. Mà một thời, quan niệm sai lệch này là nguyên nhân gây ra những cái chết thương tâm cho sản phụ và trẻ sơ sinh, ảnh hưởng sức khỏe và chất lượng dân số.

“Vợ chồng tôi được cô đỡ thôn bản đến vận động đi khám thai và sinh con ở Trạm y tế xã. Chúng tôi đã sinh con đầu ở Trạm y tế và cháu rất khỏe mạnh nên tôi tiếp tục đưa vợ đến Trạm y tế khám thai đứa con thứ hai. Tôi rất biết ơn các y, bác sỹ của Trạm y tế và các cô đỡ thôn bản,” anh Lùng chia sẻ.

Xem thêm: Mối quan hệ Việt Nam - Mông Cổ không ngừng phát triển và đạt nhiều thành tựu

Chị Lý Thị Số (ngoài cùng bên trái) và chồng là anh Giàng A Lùng ngồi chờ khám bệnh tại Trạm Y tế xã Mù Sang. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại Trạm Y tế xã Mù Sang - xã vùng cao, vùng sâu biên giới nằm cách thành phố Lai Châu hơn 60km về phía Tây Bắc, có thể dễ dàng gặp nhiều cặp vợ chồng như anh Lùng, chị Số đến sử dụng các dịch vụ sức khỏe sinh sản an toàn. Y sỹ Đào Hồng Nhật - Trưởng trạm y tế xã Mù Sang cho biết trạm có 7 cán bộ y tế, trong đó có 1 bác sỹ. Toàn bộ người dân ở xã đều có bảo hiểm y tế. Mù Sang có 10 bản, bản xa nhất cách trạm khoảng 15km. Ngoài nhân lực y tế của trạm, Mù Sang có thêm 2 cô đỡ thôn bản, cùng đó 10 bản đều có nhân viên y tế thôn bản.

Khảo sát thực tế tại các trạm y tế ở 3 miền đất nước cho thấy, bộ mặt của y tế cơ sở nơi đây đã có sự thay đổi đáng kể. Các trạm y tế được xây mới, cải tạo khá khang trang, sạch sẽ, thoáng mát, rộng rãi. Người dân rất phấn khởi, hài lòng và cho rằng trạm y tế mới tiện lợi hơn trước rất nhiều, từ chỗ ngồi chờ thoáng mát, rộng, thoải mái đến tư vấn kỹ càng và yên tâm mỗi khi ra trạm y tế thăm khám hoặc lấy thuốc hàng tháng.

Bác sỹ Lâm Hữu Hoành - Trạm trưởng Trạm Y tế xã Mỹ Chánh (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) cho biết mỗi ngày trạm tiếp đón khoảng 20-30 người dân đến khám bệnh. Người dân tới khám các bệnh như: tăng huyết áp, đái tháo đường, đau cơ xương khớp còn trẻ em là các bệnh về viêm đường hô hấp… Mỗi tháng, có 65-70 người bệnh tăng huyết áp đến Trạm khám định kỳ và lấy thuốc uống; 19 bệnh nhân đái tháo đường đang được Trạm Y tế xã quản lý. Đây là những con số đáng ghi nhận tại một trạm y tế ở tỉnh Trà Vinh. Điều này chứng minh niềm tin của người dân đang dần “đặt đúng chỗ” đối với y tế tuyến cơ sở. Mỹ Chánh cũng là 1 trong 29 trạm y tế xã trên toàn tỉnh Trà Vinh đã và đang có một diện mạo mới, khang trang, sạch sẽ và luôn sẵn sàng phục vụ người dân địa phương.

Ông Kiên Sóc Kha - Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh cho hay hiện nay 100% trạm y tế xã có bác sỹ, thậm chí có trạm y tế có 2 bác sỹ. Các trạm y tế nhân viên y tế khám chữa bệnh các, bệnh thông thường cho người dân như: huyết áp, tiểu đường, bệnh không lây nhiễm khác. Tỉnh đã hoàn thành xây mới 11 trạm y tế, nâng cấp 18 trạm y tế, đạt tỷ lệ 100%. Về tập huấn cho các cán bộ, đã có 851 cán bộ y tế xã được Dự án hỗ trợ đào tạo về quản lý các vấn đề sức khỏe ưu tiên. Dự kiến 100% trạm y tế xã phường, thị trấn sẽ được cung cấp đầy đủ trang thiết bị do dự án đầu tư.

Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh cũng cho hay hiện tại danh mục thuốc của một số trạm y tế vẫn còn ít loại, do đó cần nghiên cứu tăng thêm danh mục thuốc bảo hiểm y tế cho tuyến cơ sở để người dân, đặc biệt là người bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường được tiếp cận thuốc nhiều hơn khi thụ hưởng chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cơ sở.

Ông Nguyễn Quảng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ (tỉnh Quảng Trị) cho biết Trạm y tế xã Cam Chính, Xã Cam Tuyền và xã là một trong 3 trạm y tế xã của huyện được xây mới và nâng cấp, sửa chữa. Tất cả 3 trạm đều đang hoạt động rất hiệu quả. Công tác chăm sóc sức khỏe của người dân tại địa phương được nâng cao hơn trước rất nhiều. Các trạm đều khang trang, thiết bị được đầu tư phù hợp.

“Quá tải bệnh viện sẽ chấm dứt khi xử lý từ gốc”

Phó giáo sư Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính (Bộ Y tế), Giám đốc Dự án Đầu tư xây dựng và phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở cho hay, phân tích về nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho thấy 80% người dân bị mắc bệnh nhẹ hoặc chưa có bệnh chỉ cần các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, chỉ khoảng 20% người dân bị bệnh cần phải nhập viện (15% cần điều trị ở mức độ cơ bản và 5% là bệnh nặng cần điều trị ở mức độ chuyên sâu).

Việc nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở sẽ hỗ trợ hiệu quả việc kìm hãm đà gia tăng quá mức về nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Như vậy, để giải quyết một cách căn cơ tình trạng quá tải bệnh viện, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về quản lý, kỹ thuật và tài chính mang tính hệ thống. Những can thiệp không chỉ giới hạn tại các bệnh viện tuyến cuối mà còn phải được thực hiện đối với những thành tố khác của hệ thống y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở.

Theo bà Hằng, thực tế cho thấy, tình trạng quá tải bệnh viện ở Việt Nam chỉ xảy ra tại các bệnh viện tuyến cuối và gây tác động tiêu cực tới hiệu quả sử dụng nguồn lực chung cho chăm sóc sức khỏe người dân. Tình trạng quá tải bệnh viện được đánh giá là hậu quả của sự kết hợp của hai nhóm nguyên nhân chính: Đó là sự thiếu hụt năng lực cung ứng dịch vụ y tế tuyến cuối so với nhu cầu thực tế và sự gia tăng quá mức nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối.

Do đó, để đạt được sự cân bằng tối ưu giữa cung và cầu dịch vụ y tế tuyến cuối, bên cạnh các nỗ lực gia tăng nguồn cung theo kịp sự gia tăng cầu thực, cần hạn chế sự gia tăng quá mức cầu dịch vụ y tế tuyến cuối. Để đáp ứng tối ưu nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, chuỗi chăm sóc sức khỏe (bao gồm chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản, chăm sóc sức khỏe chuyên sâu) cần được thiết lập và vận hành hiệu quả.

Bởi vậy, việc nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở sẽ hỗ trợ hiệu quả việc kìm hãm đà gia tăng quá mức về nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối (bao gồm cả cầu thực và cầu ảo) cũng như hỗ trợ việc tái lập sự cân bằng hợp lý giữa các thành tố trong chuỗi chăm sóc sức khỏe, qua đó góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm quá tải bệnh viện.

Việc đổi mới phương thức hoạt động của y tế cơ sở theo hướng chú trọng phòng bệnh, nâng cao sức khỏe, sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật; đẩy mạnh quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, chăm sóc dài hạn tại y tế cơ sở; thực hiện quản lý sức khỏe người dân tại gia đình và cộng đồng là yếu tố cần thiết. Bởi khi người bệnh được quản lý bệnh hiệu quả từ tuyến y tế cơ sở sẽ không phải lên tuyến trên. Theo đó, ưu tiên chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại y tế cơ sở, chuyển từ trọng tâm giải quyết bệnh tật sang chăm sóc sức khỏe toàn diện, lồng ghép và liên tục suốt đời, chú trọng giải quyết các vấn đề nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh trong giai đoạn vừa qua, hoạt động của y tế cơ sở và y tế dự phòng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và đã được minh chứng trong giai đoạn phòng, chống dịch COVID-19.

Về việc thực hiện chính sách pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng, bà Nguyễn Thúy Anh khẳng định thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến y tế cơ sở, y tế dự phòng được ban hành tương đối toàn diện, đồng bộ. Theo đó, Quốc hội ban hành 7 Luật, 2 Nghị quyết chuyên đề về y tế và nhiều Nghị quyết có nội dung liên quan, Chính phủ và các bộ, ngành cũng ban hành nhiều Nghị quyết, Nghị định, Thông tư, Quyết định…

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết qua khảo sát cho thấy nhân lực của y tế cơ sở, y tế dự phòng từng bước được củng cố cả về số lượng và chất lượng, trong đó nhân lực y tế tuyến huyện chiếm 34,6% trên tổng số nhân lực y tế các tuyến; tuyến xã là 15,8%. Khả năng và chất lượng cung ứng dịch vụ y tế tại y tế cơ sở ngày càng được nâng lên; mức độ hài lòng của người dân đối với thái độ của nhân viên y tế cơ sở, chất lượng dịch vụ y tế cải thiện.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, khi các trạm y tế được xây mới cũng như tăng cường cơ sở vật chất sẽ tạo ra "bộ mặt mới" cho y tế cơ sở ở các tỉnh, cải thiện các dịch vụ y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe, nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu; ưu tiên các đối tượng là bà mẹ trẻ em, người cao tuổi, người dân vùng khó khăn…

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cũng đề nghị các địa phương có lộ trình cụ thể trong việc hỗ trợ các kỹ thuật cao cho tuyến y tế cơ sở; đẩy mạnh việc triển khai xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử; Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về công tác phòng, chống dịch bệnh…/.

Tiêm chủng cho trẻ nhỏ ở Trạm Y tế ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

(Vietnam+)