Phát huy truyền thống anh hùng của cha ông

Đồng chí Ngô Hạnh Phúc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh (thứ tư từ trái sang) cùng lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham quan mô hình vũ khí thực hành huấn luyện tại Lễ ra quân huấn luyện tỉnh Yên Bái năm 2024.

Khi tôi bắt đầu biết nhận thức, tôi đã được biết ông ngoại mình tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, lại bị thương đúng trong trận đánh Đồi A1 nên bị cưa mất cánh tay phải; trên người ông chằng chịt sẹo: sẹo bên thái dương, chân có một vệt sẹo dài từ đầu gối xuống tận cổ chân, cả lưng cũng có sẹo… Ông tôi bảo đấy là do đạn của địch bắn trượt, vì "chúng nó bắn kém lắm”.

Rồi ông kể lúc bị thương, cánh tay lủng lẳng nhưng chẳng thấy đau, vẫn cố băng lên phía trước cho đến khi máu chảy nhiều, ngất lịm đi, được đồng đội đưa về tuyến sau… Thời gian rảnh rỗi, ông tôi thường kể cho tôi nghe những câu chuyện "xung phong diệt địch”, chuyện những đồng đội năm xưa đã kề vai sát cánh cùng chiến đấu, rồi những chiến công oanh liệt mà quân và dân ta đã lập được trong chiến dịch lịch sử ấy…

Xem thêm: Dịp nghỉ lễ 30/4, lượng khách du lịch đến Bắc Kạn tăng 189% so với cùng kỳ

Ông tôi còn giữ một bộ quân phục, trên đó tôi thấy gắn rất nhiều huân, huy chương. Hồi còn nhỏ, mỗi lần thấy ông mặc nó là tôi biết ông lại được mời đi nói chuyện lịch sử ở trên thành phố… Lâu dần thành quen, cứ mỗi khi gặp ông, tôi lại ngồi hỏi ông về những tháng ngày oanh liệt đó. Ông tôi rời quân ngũ thì được "Tổ chức” bố trí làm nhiều công việc, kinh qua nhiều vị trí ở tỉnh Yên Bái, từ anh cán bộ tài chính lên đến Trưởng Ty Tài chính tỉnh, rồi đến khi về hưu ông tôi làm Phó Chủ tịch UBND thị xã Yên Bái.

Cái hồi ấy, theo như mẹ tôi kể lại thì ông Phó Chủ tịch thị xã về hưu mang về nhà đúng một cái xe đạp đã "tụt bút chì” và một cái quạt con cóc. Về làm dân thường, ông tôi làm đủ nghề để nuôi dạy con cháu ăn học. Hình như không việc gì liên quan đến lao động chân tay mà ông tôi không biết, không làm. Ông bảo, lao động thì mới có tích lũy, có tích lũy thì mới làm được việc lớn; qua lao động, người ta sẽ rèn luyện được tính bền bỉ, kiên trì, chịu thương chịu khó, trở thành người có ích… Mới đó mà tôi đã ngoài 40 tuổi, còn ông ngoại tôi năm nay đã tròn 95 tuổi - cái tuổi được con cháu làm lễ mừng "Thượng thượng thọ”.

Ông tôi vẫn còn khỏe mạnh và khá minh mẫn, chỉ mỗi tội là hơi nặng tai nhưng vẫn nhất quyết không chịu đeo máy trợ thính. Ông bảo, cái máy đấy vướng vướng, không giống đeo mấy cái bình tông khi ra trận. Kể chuyện về ông ngoại cũng là dịp để bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với những thế hệ đi trước - lớp cha ông đã hy sinh xương máu của mình cho nền độc lập, tự do của nước nhà. Còn biết bao người con của mảnh đất Yên Bái anh hùng đã ngã xuống trên chiến trường năm ấy; biết bao người may mắn trở về đã và đang thầm lặng cống hiến cho quê hương. Họ đều là những anh hùng trong lòng con cháu, những người anh hùng thầm lặng của dân tộc đã góp sức làm nên một chiến thắng lịch sử đi vào huyền thoại của Quân đội và nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống thực dân Pháp - chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Xem thêm: Ô tô nhãn hiệu BMW bất ngờ bốc cháy dữ dội vào giờ trưa ở Hà Nội

Huấn luyện chiến sĩ trẻ tại Trung đoàn 121, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh.

Trong suốt 9 năm kháng chiến ngày ấy, nhân dân các dân tộc và lực lượng vũ trang tỉnh Yên Bái đã tích cực hoạt động, xây dựng, củng cố địa phương về mọi mặt, phối hợp chiến đấu với các chiến trường, phục vụ kịp thời, có hiệu quả, góp sức người, sức của cho cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 và đặc biệt là Chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi hoàn toàn…

Nói về dấu mốc đầy ấn tượng - kỷ niệm tròn 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, người chiến sĩ Điện Biên năm ấy, ông ngoại tôi hào hứng: "Đó là chiến thắng của tinh thần bất tử. Nhắc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ là nhắc đến biểu tượng của tinh thần bất khuất, không chịu lùi bước trước giặc xâm lăng của những người lính Cụ Hồ, của nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái nói riêng và của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung. Từng tham gia chiến đấu và bị thương ở chiến trường Điện Biên Phủ, được chứng kiến công cuộc xây dựng đất nước sau chiến tranh, những người lính thấm thía hơn hết cái giá để có được nền độc lập hôm nay. Vì thế, cứ đến ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên, trong lòng mỗi người lính Điện Biên năm nào lại dâng lên cảm xúc bồi hồi, xúc động. Chiến thắng ấy quả thật thần kỳ và vĩ đại, là minh chứng hùng hồn cho sức mạnh đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, sức mạnh quân sự từ nhân dân, của nhân dân”...

Nối dài truyền thống anh hùng của cha ông, cùng dòng chảy của lịch sử đất nước, nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái đã hun đúc truyền thống yêu nước, đoàn kết, anh dũng, kiên cường trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm; cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất. Theo tài liệu ghi lại, tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, từ năm 1952 đến năm 1954, gần 2.700 thanh niên ưu tú của 30 dân tộc anh em trong tỉnh Yên Bái đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Tỉnh chú trọng xây dựng lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích phát triển số lượng đi đôi với nâng cao chất lượng, không ngừng nâng cao sức chiến đấu và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong lực lượng vũ trang.

Chỉ trong thời gian ngắn, tỉnh đã thành lập Tiểu đoàn 281 bộ đội chủ lực, 5 đại đội bộ đội địa phương, 1 trung đội bảo vệ cầu đường, tất cả các xã đều có từ 1 đến 2 trung đội du kích, 1 trung đội dân quân…; chỉ đạo lực lượng vũ trang, dân quân du kích và nhân dân tiến hành tiễu phỉ, diệt và bắt trên 1.500 tên phỉ, thu hơn 2.000 khẩu súng, một số điện đài và nhiều lương thực, tiền bạc.

Lực lượng bộ đội chủ lực là con em các dân tộc tỉnh Yên Bái đã tham gia đóng góp sức người, sức của để làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử đầy oai hùng ấy với hàng nghìn người… Với họ, những hy sinh mất mát, những cống hiến cho Tổ quốc luôn là niềm tự hào, là những bài học cuộc sống quý báu để dạy dỗ các thế hệ con cháu sau này…

Tròn 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, phát huy truyền thống của quê hương, bước vào giai đoạn cách mạng mới, quân và dân Yên Bái tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khai thác mọi tiềm năng, thế mạnh và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, nâng cao đời sống nhân dân, đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, xây dựng tỉnh Yên Bái phát triển theo hướng "xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”, sẵn sàng đóng góp sức người, sức của cho nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng là tỉnh có địa bàn chiến lược quan trọng cửa ngõ miền Tây của đất nước…

Thiên Cầm