NSND Minh Vương tuổi 74 không ngại đụng chạm khi ngồi 'ghế nóng'

NSND Minh Vương là khách mời trong tập mới nhất của Học viện cải lương. Nam nghệ sĩ nhận lời tham gia chương trình với mong muốn truyền đạt kinh nghiệm cho hậu bối, nhằm xây dựng nghệ thuật cải lương tiến bộ hơn.

NSND Minh Vương.

Theo Minh Vương, bên cạnh những kiến thức nền, nghệ sĩ phải luôn tìm tòi, sáng tạo để ghi dấu ấn riêng. Đó là điều ông thường xuyên thực hiện từ khi bước vào nghề ca hát. Ông tâm niệm nghệ sĩ phải chủ động sáng tạo, bằng sự hiểu biết và dòng cảm xúc mà nêu ý kiến để thể hiện rõ nhân vật cũng như bản thân.

Xem thêm: Bắc Ninh đón khoảng 65.000 lượt du khách trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Tại hậu trường chương trình, NSND Minh Vương cũng nhớ lại quá trình từ cậu bé chập chững vào nghề đến khi thành danh. Ông cho biết khoảng 12-13 tuổi thường đi vớt cá lia thia để bán. Một ngày nọ, ông đi ngang qua lớp dạy hát vọng cổ. Minh Vương vốn rất mê và cũng có chút khả năng ca nhưng không nghĩ sẽ trở thành nghệ sĩ.

NSND Minh Vương, NSND Vương Hà (đứng) cùng các nghệ sĩ tham gia chương trình.

“Tôi nép ngoài lớp học nhìn vào, thầy Bảy Trạch hỏi tôi cần gặp ai. Tôi nói thích ca vọng cổ thì thầy liền kêu vào thử giọng. Tôi ca xong, thầy nói giọng tốt, có hy vọng nên xin thầy vào học ca. Lớp học có 2-3 nhạc sĩ, người dạy tôi ca - đàn trực tiếp là NSND Văn Giỏi.

Thầy hướng dẫn, chỉnh sửa cho tôi khi có sai sót. Năm 1964, khi cuộc thi Khôi nguyên Vọng cổ diễn ra, thầy chọn tôi đi thi dù trong lớp cũng có nhiều bạn có giọng ca tốt. Tôi đạt giải nay năm đó, cuộc đời sang trang mới”, ông nhớ lại.

Sau đó, NSND Minh Vương được đoàn Kim Chung mời về ký hợp đồng. Số tiền 10.000 đồng có được, ông mang một nửa tặng thầy Bảy Trạch để trả ơn thầy, số còn lại đưa cho mẹ. Tuy nhiên, khi vào đoàn Kim Chung, ông chưa thể đóng vai kép, lại quá tuổi đóng vai con nít. Vì thế, có nhiều tuồng nghệ sĩ chỉ chạy ra, ca một câu vọng cổ rồi bước vào.

Nhiều người khuyên Minh Vương phải giữ giọng cho thật tốt, vì đây là “vũ khí” quan trọng của nghệ sĩ trên sân khấu. Đặc biệt, thời điểm bé trai vỡ giọng để trở thành thiếu niên rất dễ ảnh hưởng đến giọng ca. NSND Minh Vương cho biết giai đoạn này có nhiều thay đổi trong cơ thể. Ông cũng khá áp lực vì nếu giọng bị vỡ hoàn toàn có thể không giữ được nghề hát.

Ở U80, NSND Minh Vương vẫn chú trọng giữ gìn giọng ca. Ông có lối sinh hoạt nghiêm túc, kỹ lưỡng để giữ sức, giữ mình cho nghề nghiệp.

Nghệ sĩ gạo cội được khen giữ giọng tốt so với tuổi.

Nghệ sĩ nói đã đứng trên sân khấu hơn nửa thế kỷ nhưng bây giờ vẫn như ngày trẻ. Cứ lên sân khấu, ông lại nôn nao, hồi hộp khó tả. Minh Vương mừng vì tuổi này còn được gặp khán giả, được họ yêu mến. Do đó, ông luôn phải chuẩn bị thật kỹ để tránh những sai sót mỗi khi ra biểu diễn.

Hiện dù có kinh nghiệm làm nghề dày dặn nhưng ông vẫn tập luyện thường xuyên, nghiên cứu những cái mới. “Tuổi tác cũng làm ảnh hưởng nhiều thứ. Vì thế, tôi phải tập ca để xem còn ổn không, chữ này ổn chưa, chỗ kia có đã tai không…”, NSND Minh Vương chia sẻ.

NSND Minh Vương cũng từng làm giám khảo, truyền dạy kinh nghiệm cho thí sinh ở nhiều sân chơi khác về nghệ thuật cải lương. Ông thường nhận xét thẳng thắn, đôi khi nhận những ý kiến trái chiều song nghệ sĩ chưa bao giờ lo ngại.

Minh Vương tâm sự: “Tôi nghĩ việc nói đúng suy nghĩ, nhận biết của mình cho đồng nghiệp, nhất là các bạn trẻ là hết sức cần, trước là cho chính các bạn, sau là vì cải lương. Có thể việc này khiến nhiều người không thích, lời ra tiếng vào, thậm chí giận hờn nhiều nhưng tôi chấp nhận. Tôi từng đi qua nhiều việc, thành công có, thất bại cũng có nên chỉ muốn truyền lại hết cho các em”.

Xem thêm: Nghề cói Kim Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Clip NSND Minh Vương chia sẻ

Tuấn Chiêu