Nha Trang 'thắng đậm' vùng biển miền Trung

Du khách check-in tại bãi biển Phan Thiết (Bình Thuận) chiều 27/4. Ảnh: Linh Huỳnh.

Giống với đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm 2023, thời tiết nóng như "đổ lửa" thúc đẩy lượng lớn người dân đến một số tỉnh, thành có biển ở miền Trung du lịch, nghỉ mát. Tuy nhiên, bản đồ thống kê lượng khách đã được tái thiết lập vào dịp cao điểm lễ năm nay.

Nha Trang "lên ngôi"

Xem thêm: Tái hiện nghề làm hương truyền thống của người Nùng An ở Cao Bằng

Vào thời điểm lễ 30/4 - 1/5 năm ngoái, lượng khách đến Nha Trang (Khánh Hòa) có tăng nhưng không vượt trội nếu so với các đợt cao điểm du lịch trước đó. Địa phương ghi nhận phòng khách sạn trống nhiều. Khách du lịch chỉ tập trung vào 3 ngày 29-30/4 và 1/5.

Song, vào dịp cao điểm lễ năm nay, thời tiết nắng đẹp trong 5 ngày nghỉ lễ đã thu hút đông đảo du khách khắp nơi đổ về Khánh Hòa tham quan, nghỉ dưỡng.

Gần 970.000 lượt khách đến Khánh Hòa du lịch đưa địa phương vào top 3 điểm đến đón lượng khách nhiều nhất trên phạm vi cả nước dịp lễ 30/4 năm nay, theo số liệu từ Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, xếp sau Thanh Hóa và Quảng Ninh.

Công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú tại đây rơi vào khoảng 87,4%, trong đó chủ yếu tập trung vào 4 ngày 27-30/4.

Một số khách sạn khu vực trung tâm thành phố có tỷ lệ lấp phòng trên 85%. Các khu nghỉ dưỡng 4-5 sao khu vực ven biển có công suất trên 90%. Doanh thu toàn ngành đạt hơn 1.300 tỷ đồng.

Bãi biển Nha Trang bắt đầu đông đúc khách từ chiều 27/4 khi nhiệt độ dịu mát dần. Ảnh: Tường Vi.

Lượng khách đến tỉnh Bình Thuận năm nay có phần ổn định, nhưng không đột phá, nếu nhìn về số liệu ở kỳ nghỉ lễ năm trước đó.

Cụ thể, năm nay, địa phương đón hơn 220.000 lượt khách trong 5 ngày, tăng khoảng 25% so với năm 2023. Công suất phòng bình quân đạt khoảng 75-95%, doanh thu khoảng 420 tỷ đồng.

Tương tự Nha Trang, lượng du khách lưu trú cũng tập trung rất đông từ ngày 27-30/4 (các khách sạn từ 1-2 sao) với công suất phòng dao động 75-85%. Resort 3-5 chạm ngưỡng tỷ lệ lấp phòng dịp lễ.

Trong khi đó, năm 2023, toàn tỉnh đón 160.000 lượt khách, tăng gấp đôi so với 80.000 lượt khách cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, lượng khách du lịch đến tỉnh tập trung rất đông ngày 29/4, kéo dài đến hết ngày 1/5.

Đáng lưu ý, nhờ tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, công suất buồng phòng tại địa phương này vẫn chạm ngưỡng vào các ngày cuối tuần sau lễ bất chấp mùa cao điểm lễ đã qua, theo ghi nhận của Tri Thức - Znews.

Xem thêm: Một diễn viên đình đám công khai tình cảm với Kim Soo Hyun, Kim Ji Won giờ chỉ còn là dĩ vãng

Riêng huyện đảo Phú Quý (cách thành phố Phan Thiết khoảng 110 km) - điểm đến mới được đông đảo người trẻ lựa chọn khám phá, check-in - lượng khách năm 2023 đông kỷ lục. Trong 3 ngày lễ đầu, tình trạng du khách "đội" nắng, xếp hàng chờ đến lượt chụp ảnh không quá xa lạ.

Song, năm nay du khách đã quen thuộc với địa điểm "chữa lành" này. Lượng khách phân bổ vào cuối tuần, trước lễ đông.

Nhóm bạn trẻ check-in tại bến tàu Phú Quý hôm 28/4. Ảnh: Linh Huỳnh.

Một số tỉnh, thành khác như Phú Yên, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế ghi nhận lượng khách tăng nhẹ nhưng không đột biến so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng Quảng Nam, khách nội địa sụt giảm đáng kể.

Dựa trên số liệu lượng khách đến tỉnh trong 5 ngày lễ, tỉnh Quảng Nam ghi nhận sự tăng 10% về lượt khách quốc tế so với cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, khách nội địa giảm 19% (ước đạt 101.000 lượt) so với cùng kỳ năm 2023 do diễn ra trong bối cảnh thời tiết nắng nóng gay gắt, có nơi nhiệt độ lên đến 40 độ C, cộng với giá vé máy bay tăng cao, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam.

Khách chọn đến miền Trung bằng tàu, ôtô tự túc

Câu chuyện về giá vé máy bay nội địa một lần nữa được nêu ra mỗi mùa du lịch cao điểm khách nội.

Song, khác với năm ngoái, hãng hàng không tại Việt Nam như Vietnam Airlines, Vietjet Air tạm ngưng một số máy bay để kiểm tra động cơ, bảo dưỡng dẫn đến việc thiếu hụt tàu bay. Điều này đẩy tình trạng vé máy bay khan hiếm tăng cao.

Bên cạnh đó, hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam Pacific Airlines không còn máy bay hoạt động từ ngày 18/3 cũng ảnh hưởng đến vấn đề cung cầu trong ngành hàng không nội địa trước thềm lễ cao điểm 30/4.

Sự đắt đỏ và khan hiếm vé buộc du khách cuồng chân lựa chọn phương tiện di chuyển khác thay thế.

Theo lãnh đạo Đà Nẵng, số khách du lịch đến thành phố bằng tàu hỏa tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2023 với hơn 16.000 lượt. Bên cạnh đó, lượng khách di chuyển bằng đường bộ, đặc biệt là phương tiện tự túc cũng tăng cao. Đây là điểm đáng lưu ý trong ngành du lịch tại địa phương dịp lễ 30/4-1/5 năm nay.

Tuyến cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo thông xe từ 26/4, nối liền TP.HCM và Nha Trang với 4 tiếng đồng hồ đi xe. Ảnh: Văn An.

Tương tự, TP Nha Trang cũng ghi nhận lượng khách đường bộ tăng. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa, cho biết giá vé máy bay tăng cao đã ảnh hưởng đến việc di chuyển của khách du lịch nội địa, nhưng với việc đường bộ cao tốc thông suốt từ TP.HCM - Nha Trang, khách du lịch ở thành phố này và các tỉnh phía nam đi bằng đường bộ đến Khánh Hòa rất thuận lợi.

"Ngoài đường bộ và đường hàng không thì đường sắt cũng được khách du lịch nội địa chọn di chuyển trong dịp lễ năm nay. Trước nhu cầu du lịch của người dân đến Nha Trang-Khánh Hòa trong dịp lễ năm nay, Công ty Cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn đã tăng cường thêm tàu đối với các tuyến TP.HCM - Nha Trang và ngược lại", bà Thanh nhận định.

Còn tại Bình Thuận, khách đến địa phương này chơi lễ chủ yếu đi dạng gia đình, nhóm bạn bè và khách lẻ, đi bằng phương tiện cá nhân. Bên cạnh đó, cũng có số lượng du khách ít hơn đi theo tour đến Phan Thiết - Bình Thuận, theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận.

Tường Vi