Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3-2024: Tôn vinh tác giả, bạn đọc, người làm sách

Thiếu nhi chào mừng Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần 3-2024.

Ngày 17-4, Lễ khai mạc Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3-2024 diễn ra tại Khu Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đưa ra các nhiệm vụ cho các cơ quan, ban, bộ, ngành… cùng với Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Hội Xuất bản Việt Nam cần quan tâm triển khai tốt hơn nữa để nâng cao văn hóa đọc, trong đó có việc nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và toàn xã hội về ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc.

Phát triển văn hóa đọc

Xem thêm: Loài cây cô độc nhất hành tinh, ngọn hải đăng duy nhất giữa sa mạc

Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam năm nay được tổ chức thiết thực, nhiều ý nghĩa với sự hưởng ứng từ nhiều tầng lớp xã hội. Những mô hình thành công trong việc khuyến đọc như mô hình Đường sách ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy được tầm quan trọng của sách trong việc phát triển tư duy tri thức, kiến thức của mọi người; các buổi giao lưu sách tổ chức tại các trường học tạo nên sức thu hút cao đối với sinh viên, học sinh, trẻ em.

Tại Lễ khai mạc Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3-2024, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa yêu cầu chú trọng đầu tư, hỗ trợ thành lập các thiết chế, hoạt động khuyến đọc trong nhà trường, cơ quan, đơn vị, tạo thói quen đọc sách trong các tầng lớp nhân dân; tăng cường vận động sáng tác các tác phẩm, công trình có giá trị cao về tư tưởng, khoa học, giáo dục, văn hóa… phục vụ nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

PGS.BS Lê Minh Khôi ký tặng lên sách Phía Tây thành phố cho bạn đọc tại Đường Sách Thành phố Hồ Chí Minh ngày 14-4.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cũng yêu cầu đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xuất bản, in và phát hành sách, gắn phát triển văn hóa đọc với chuyển đổi số để tạo ra giá trị mới, chú trọng phát triển văn hóa đọc trên các phương tiện truyền thông, báo chí, nền tảng công nghệ, mạng xã hội.

Các hội sách diễn ra trên cả nước trong tháng 4-2024 với nhiều hình thức trang trí bắt mắt.

Đồng thời các đại diện trong ngành xuất bản tích cực tham gia các hội sách nước ngoài để giới thiệu, quảng bá các tác phẩm, tác giả Việt Nam tới bạn bè quốc tế, từ đó góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế và uy tín của Việt Nam đối với khu vực và quốc tế.

“Việc lựa chọn Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21-4 gắn liền với thời điểm ra mắt cuốn sách “Đường Kách Mệnh” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa sâu sắc nhằm khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng” - ông NGUYỄN TRỌNG NGHĨA, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Nhiều hoạt động hấp dẫn, thiết thực

Phát biểu trong buổi khai mạc Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 2024, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh: “Ngày Sách năm nay hướng đến mục tiêu không chỉ tôn vinh sách, những người viết sách, làm sách, mà còn tôn vinh bạn đọc, chấn hưng văn hóa đọc, với mong muốn ngành xuất bản góp sức vào xây dựng nền tri thức nhân dân, phát triển đội ngũ tri thức, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Nhiều hội thảo, giao lưu chuyên đề về sách được tổ chức trong dịp Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần 3-2024.

Những không gian mang nét đẹp văn hóa góp phần nuôi dưỡng tình yêu sách, thói quen đọc sách, nâng cao văn hóa đọc đang hình thành ở nhiều nơi. Việc đọc sách mang ý nghĩa là phương pháp tự học, hình thành nhân cách, giá trị chuẩn mực đạo đức làm người cho mỗi cá nhân, đồng thời cũng thể hiện tinh thần hiếu học của dân tộc Việt Nam.

Độc giả tham gia Hội sách xuyên Việt diễn ra tại Công viên Biên Hùng (thành phố Biên Hòa) tháng 4-2024. Ảnh: Huy Nguyễn

Xem thêm: Đề xuất gói tín dụng cho nhà ở xã hội lãi suất dưới 5%/năm

Đặc biệt, Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam lần 3-2024 đã được tổ chức theo hướng kết hợp các hoạt động truyền thống với hiện đại dựa theo xu thế phát triển của các nền tảng công nghệ, chuyển đổi số. Trong đó có Hội sách trực tuyến, thanh toán không sử dụng tiền mặt, livestream bán sách trên các nền tảng xã hội…

Cẩm Điệp