'Lá chắn thép' bảo vệ biên giới Tây Bắc Tổ quốc

Cán bộ, chiến sĩ đồn Biên phòng Mường Pồn tuần tra bảo vệ đường biên giới Việt Nam - Lào. Ảnh: Đình Hiệp

Bài 1: Gian nan cuộc chiến chống ma túy

Điện Biên được xác định là một trong những địa bàn trọng điểm về trung chuyển ma túy liên tỉnh, xuyên quốc gia, được xem là mắt xích quan trọng trên tuyến đường vận chuyển trái phép ma túy từ khu vực Tam giác vàng, qua các tỉnh Bắc Lào vào địa bàn, rồi đưa tới các địa phương khác hoặc đi nước thứ 3 tiêu thụ. Thực tế trên đặt ra cho các cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên nhiệm vụ nặng nề.

Xem thêm: ViruSs và Ngọc Kem để hình đại diện đôi, ngầm báo cuối năm cưới

Địa bàn “nóng” về tội phạm ma túy

Cùng đoàn công tác của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội đến với Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên trong những ngày đầu tháng 4-2024, chúng tôi cảm thấy rõ không khí sôi nổi nơi đây trước thềm kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024). Song với các cán bộ, chiến sĩ mang quân hàm xanh nơi tuyến đầu Tổ quốc, cuộc chiến chống ma túy vẫn diễn ra hết sức cam go, quyết liệt từng ngày, từng giờ.

Các chiến sĩ mang quân hàm xanh Đồn Biên phòng Thanh Luông (huyện Điện Biên) đi tuần tra. Ảnh: Đình Hiệp

Đồn Biên phòng Thanh Luông được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 13,818 km đường biên giới với 7 cột mốc, thuộc địa bàn gồm 3 xã biên giới Thanh Hưng, Thanh Luông và Thanh Nưa (huyện Điện Biên). Phía ngoại biên đối diện là cụm bản Phồn Sày, huyện Mường Mày, tỉnh Phong Sa Lỳ của Lào. Đây là địa bàn “nóng” về tội phạm ma túy của tỉnh Điện Biên trong nhiều năm qua.

Thông qua công tác nghiệp vụ, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm đồn Biên phòng Thanh Luông xác định được nhiều tụ điểm bán lẻ với những đối tượng nghiện ma túy đã được lập hồ sơ theo dõi. Bên cạnh đó, cũng có một số đường dây buôn bán với số lượng lớn, với những thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt.

Nhớ lại một chuyên án từng tham gia, Thượng úy Lê Huy Hoàng - Đội trưởng Đội Trinh sát, Đồn Biên phòng Thanh Luông kể: Khi đó, vào tầm cuối tháng 10-2023, chúng tôi nhận được nguồn tin có đối tượng từ Việt Nam sang Lào lấy ma túy mang về nước tiêu thụ. Ngay lập tức, đơn vị lên kế hoạch, đi khảo sát các cung đường đối tượng có thể từ Lào về, sau đó chọn địa điểm đón lõng đối tượng. Tất cả công tác chuẩn bị đều được đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ.

Lúc đó, vào khoảng 21h, anh em đội mưa rừng, đi bộ 6 tiếng lên khu vực biên giới để thực hiện chuyên án. Trời tối, không được sử dụng đèn pin để đảm bảo yếu tố bí mật, bất ngờ nên mọi người vừa đi vừa mò đường vì địa hình ban đêm rất phức tạp, lại thêm trời mưa, vắt cắn...

“Tới gần 7h sáng thì phát hiện 2 đối tượng từ phía biên kia biên giới đi vào đội hình mật phục. Xác định đây là đối tượng chính trong chuyên án, tổ mật phục đã tiến hành khống chế, vây bắt. Đối tượng bỏ chạy, nhưng với tinh thần quyết tâm, quyết liệt đấu tranh với tội phạm, lực lượng đã vây bắt, không chế được 2 đối tượng, tang vật thu giữ gần 500gr heroin và khoảng 1.000 viên ma túy tổng hợp” - Thượng úy Lê Huy Hoàng nhớ lại.

Từng nhiều năm tham gia các chuyên án đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy, Thượng úy Lê Huy Hoàng nhận thấy, việc vây bắt các đối tượng này phải hết sức cẩn trọng, đảm bảo an toàn cho cả lực lượng đánh án và quần chúng nhân dân khu vực phá án, bởi các đối tượng thường trang bị vũ khí nóng. Chúng xác định nếu bị bắt sẽ phải chịu hình phạt ở khung cao nhất, nên khi bị phát hiện, các đối tượng thường chống trả rất quyết liệt, sẵn sàng nổ súng vào lực lượng chức năng.

Cuộc chiến chống ma túy vẫn diễn ra hết sức cam go, quyết liệt từng ngày, từng giờ nơi biên cương. Ảnh: Đình Hiệp

Xem thêm: Phan Mạnh Quỳnh: Luôn trân trọng và biết ơn cuộc sống hòa bình hiện tại

Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng này là mượn danh nghĩa người dân lên rừng hái măng, chăn thả gia súc… rồi cất giấu ma túy vào gùi, túc xác rắn… để dễ vận chuyển vào tiêu thụ trong nội địa. “Như 2 đối tượng trong chuyên án cũng có 2 khẩu súng kíp mang theo người. Khi tác chiến, chỉ cần chậm 1 giây hoặc lựa chọn khu vực địa hình triển khai không phù hợp, việc khống chế đối tượng sẽ gặp khó khăn, thậm chí đe dọa an toàn cho cán bộ, chiến sĩ” - Thượng úy Lê Huy Hoàng chia sẻ.

Chủ động đấu tranh kết hợp với tuyên truyền

Đồn Biên phòng Mường Pồn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 42 km trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, địa bàn gồm 2 xã biên giới Mường Pồn, Hua Thanh (huyện Điện Biên) với hơn 21 bản, trong đó có 6 bản biên giới. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Pồn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới, trong đó có công tác đấu tranh kết hợp với tuyên truyền vận động người dân cùng tham gia phòng, chống tội phạm ma túy trên địa bàn.

Đoàn công tác của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội thăm, tặng quà các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Mường Pồn. Ảnh: Đình Hiệp

Đại úy Nguyễn Hữu Hiệp, Phó đồn Trưởng Đồn Biên phòng Mường Pồn cho biết, thời gian qua, tình hình mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép các chất ma túy trên địa bàn vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Trong năm 2023, đồn Biên phòng Mường Pồn chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng bắt, khởi tố 10 vụ/11 đối tượng (tang vật thu giữ gồm 5,58 gram heroine, 96.246 viên ma túy tổng hợp, 11kg ma túy đá) cùng nhiều tang vật khác.

Bên cạnh công tác đấu tranh được tiến hành triệt để, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa tội phạm về ma túy, các lực lượng phòng, chống ma túy của Đồn Biên phòng Mường Pồn cùng với các lực lượng chức năng khác của địa phương cũng tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân. Nhờ đó, đã góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân, từng bước đẩy lùi ma túy ra khỏi đời sống xã hội, góp phần vào thắng lợi chung của công tác bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Đồn Biên phòng Mường Pồn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ gần 42 km trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào. Ảnh: Đình Hiệp

Đại tá Nguyễn Thanh Dịu, Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên cho biết, trong giai đoạn hiện nay, tội phạm ma túy có sự liên kết chặt chẽ giữa các tổ chức, đường dây phạm tội trong và ngoài nước, tính chất hoạt động, phương thức và thủ đoạn hoạt động tinh vi, manh động, liều lĩnh.

Các đối tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy thường xuyên thay đổi địa bàn hoạt động và phương thức vận chuyển; triệt để lợi dụng sự phát triển của công nghệ thông tin để liên lạc, hình thành các đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy khép kín xuyên quốc gia, tài trợ khủng bố ở nước ngoài, tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác đấu tranh phòng, chống ma túy và tội phạm của tỉnh.

Với sự mưu trí, anh dũng và chủ động của cán bộ, chiến sĩ biên phòng, không chỉ sự an toàn của lực lượng đánh án được đảm bảo, trong 3 năm (từ 2021-2023), Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên đã chủ trì và phối hợp đấu tranh 489 chuyên án, vụ án, bắt giữ 591 đối tượng (51 chuyên án); thu giữ trên 600 kg ma túy các loại.

Riêng quý I-2024, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã chủ trì, phối hợp với các lực lượng phát hiện bắt giữ 37 vụ/43 đối tượng (trong đó có 4 chuyên án), tang vật thu giữ 4,298 kg heroine, 137.796 viên ma túy tổng hợp, 3.600 cây thuốc phiện (phá nhổ 124 cây thuốc phiện) và nhiều tang vật khác có liên quan.

Cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Điện Biên luôn chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa. Ảnh: Đình Hiệp

Theo thống kê, trong số 29 xã biên giới thuộc địa bàn quản lý của Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên, có hơn nửa số xã là địa bàn “điểm nóng” về hoạt động của tội phạm ma túy, như: Na Ư, Mường Nhà, Thanh Hưng, Thanh Luông, Pa Thơm, Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên); Si Pha Phìn, Phìn Hồ, Nà Hỳ, Nà Bủng (huyện Nậm Pồ); Nậm Kè, Mường Nhé, Chung Chải (huyện Mường Nhé).

“Để ứng phó với khó khăn trên, cán bộ, chiến sĩ biên phòng tỉnh Điện Biên luôn chủ động nắm chắc tình hình từ sớm, từ xa, không ngại khó, ngại khổ và nguy hiểm, phát huy đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ công tác biên phòng, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống. Qua đó, góp phần từng bước ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm ma túy, giữ vững bình yên nơi biên cương Tổ quốc” - Đại tá Nguyễn Thanh Dịu chia sẻ.

(Còn nữa)