Hà Nội đón 9,25 triệu lượt du khách trong 4 tháng đầu năm 2024

Sở Du lịch Hà Nội cho biết, tháng 4/2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 2,52 triệu lượt khách, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 638.000 lượt khách, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước (bao gồm 450.000 lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 1,89 triệu lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 10.347 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng khách du lịch đến Hà Nội đạt 9,25 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách du lịch quốc tế đạt 2,22 triệu lượt khách, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023 (bao gồm 1,56 triệu lượt khách du lịch quốc tế có lưu trú), khách du lịch nội địa ước đạt 7,033 triệu lượt khách, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 37.237 tỷ đồng, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm 2023.

Trong tháng 4/2024, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn tháng 4/2024 ước đạt 66,1%; tăng 1,7 % so với tháng 3/2024 và tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Xem thêm: Quảng Trị: Doanh thu du lịch dịp Lễ 30/4, 1/5 tăng hơn 14% so với cùng kỳ

Về số lượng cơ sở lưu trú du lịch, Hà Nội hiện 3.760 cơ sở lưu trú với 71.246 phòng; trong đó có 607 khách sạn, khu căn hộ đã được xếp hạng từ 1-5 sao với tổng số 26.641 phòng, số khách sạn, căn hộ xếp hạng chiếm 16% tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn và 37% tổng số phòng.

Về dịch vụ du lịch đạt chuẩn, trên địa bàn Hà Nội hiện có 34 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 39 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm, 7 cơ sở kinh doanh vui chơi giải trí, 2 cơ sở kinh doanh dịch vụ chăm sóc sức khỏe đã được công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.

Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm. Hệ thống các cơ sở dịch vụ mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch đã thu hút, phục vụ đông đảo lượng du khách và người dân đến thăm quan và mua sắm.

Theo số liệu báo cáo (tính đến ngày 17/4/2024) trên địa bàn Hà Nội có 1.763 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế; 425 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; 32 doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch, 7 văn phòng đại diện doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài; 5.574 hướng dẫn viên du lịch quốc tế; 2.232 hướng dẫn viên du lịch nội địa và 103 hướng dẫn viên du lịch tại điểm đang hoạt động.

4 tháng đầu năm, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp tổ chức thành công Lễ công bố tuyến du lịch Trung tâm Hà Nội - Thanh Oai - Ứng Hòa - Mỹ Đức với chủ đề “Con đường di sản Nam Thăng Long - Hà Nội” hưởng ứng Hội chợ du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi 2024.

Tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống, hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đổng Tử, tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì.

Phối hợp với các quận, huyện nghiên cứu, đề xuất triển khai các mô hình du lịch văn hóa, làng nghề mới như: nghiên cứu, phát triển làng du lịch tại huyện Sóc Sơn; trung tâm thiết kế sáng tạo làng nghề kết hợp với hoạt động du lịch tại huyện Phú Xuyên…

Đẩy mạnh hợp tác với các tỉnh thành phố phát triển tuyến, sản phẩm du lịch liên kết theo từng nhóm sản phẩm thế mạnh, có tính bổ trợ lẫn nhau như: tuyến du lịch văn hóa tâm linh Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình, tuyến du lịch khám phá, trải nghiệm Hà Nội - Sơn La, Hà Nội - Lào Cai - Lai Châu.

Tháng 5/2024, Sở Du lịch Hà Nội sẽ trình UBND Thành phố Hà Nội dự thảo Kế hoạch thực hiện Kết luận số 146-KL/TU ngày 11/3/2024 của Ban Thường vu Thành ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 26/6/2016 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giai đoạn 2024-2025.

Xây dựng dự thảo và ban hành Kế hoạch xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và các điểm du lịch gắn với các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số tại huyện Mỹ Đức theo Kế hoạch số 253/KH-UBND ngày 11/11/2021 của UBND TP. Hà Nội.

Tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển du lich nông nghiệp, nông thôn theo Kế hoạch số 73/KH-UBND, ưu tiên phát triển 02-03 mô hình du lịch nông nghiệp tại các huyện Thường Tín, Sơn Tây, Ba Vì, Sóc Sơn… theo hướng nông nghiệp chất lượng cao, nâng cao trải nghiệm của khách du lịch.

Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch, các điểm đến, các sản phẩm du lịch mới của Thủ đô trên các kênh truyền thông, truyền hình trong nước (VTV, HanoiTV...) và kênh CNN quốc tế, các kênh truyền thông quốc tế khác, trang website, các nền tảng mạng xã hội (Youtube,

Facebook…) và các hình thức tuyên truyền quảng bá khác phù hợp để tạo sức lan tỏa lớn và thu hút khách đến Hà Nội với thông điệp xuyên suốt “Hà Nội - Đến để yêu” và “Hà Nội - Điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn”.

Xem thêm: Lãnh đạo tỉnh Gia Lai dâng hoa trước Tượng đài Anh hùng Núp

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng nền tảng địa chỉ số trong hoạt động du lịch; tiếp tục số hóa hệ thống thông tin số về khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch, thị trường du lịch Hà Nội.

Hồng Hạnh