Chuyện 'thương hiệu' địa danh, nói mãi rồi

Những giá trị văn hóa đã đi vào tâm khảm người dân trong cố hương truyền đời, trong văn chương, thi ca, âm nhạc. Rất nhiều ca khúc đã làm cho địa phương tự hào, dù chỉ nhắc tới một địa danh. Nhạc sĩ Thuận Yến từng kể rằng, tỉnh Bình Dương, Bình Phước vẫn tri ân ông những dịp lễ vì trong bài hát “Mỗi bước ta đi” vẫn nhắc đến tỉnh Sông Bé anh hùng. Tỉnh này sau tách thành Bình Dương và Bình Phước. Lời bài hát có câu: “Vượt qua sông Bé oai hùng về Phước Long xây chiến thắng”.

Sau 1975, tỉnh Phước Long hợp nhất với các đơn vị khác thành tỉnh Sông Bé, rồi lại tách như đã nêu.

Nghe “Đàn sáo Hậu Giang” của Trần Long Ẩn nhắc tới Cần Thơ mà về Hậu Giang tìm hoài không thấy. Mới hay, Cần Thơ đã thành một tỉnh láng giềng rồi. Sau 1989, nghe bài “Câu hát Lý thương nhau” mà tìm cô gái Nghĩa Bình mà tìm hoài không được. Người cao niên bảo cô ấy nay đã thành hai cô: Nghĩa (Quảng Ngãi) và cô Bình (Bình Định). Sau 2008, nghe “Hà Tây quê lụa” của Nhật Lai thì vẫn tìm được cô gái Suối Hai, chàng trai Cầu Giẽ; nhưng bây giờ cả hai đều đã là người Hà Nội rồi.

Xem thêm: NSND Vương Hà từ Hà Nội tới truyền dạy kinh nghiệm cho thí sinh Học viện Cải lương

Việc đổi tên địa phương là lẽ tự nhiên. Tuy vậy, thường sự thay đổi là thuận dòng không khiên cưỡng với tiến trình lịch sử. Hà Nội là địa danh đổi tên chính quy tới 10 lần, từ lần đầu tiên là Long Đỗ (khoảng năm 866), Tống Bình, Đại La, Thăng Long, Đông Đô, Đông Quan, Đông Kinh, Bắc Thành, Thăng Long (tái định danh) tới Hà Nội 1831 là 965 năm. Trung bình gần 1 thế kỷ đổi tên một lần. Chưa kể 8 cái tên khác kiểu thân thương như Tràng An, Phượng Thành, Thượng Kinh… Chỉ cần 10 cái tên chính quy thôi đã làm cho học sinh đôi khi ngơ ngác nếu không chăm tra cứu.

Cái tên Paris không đổi từ đó tới nay là 17 thế kỷ. Việc này làm các nhân viên bưu điện và các anh chàng shipper vô cùng hoan hỷ.

Có 3 hình thức đặt tên mới cho các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập: Một là đặt tên mới hoàn toàn. Hai là giữ tên một trong các đơn vị sáp nhập. Ba là ghép tên các đơn vị sáp nhập với nhau. Trong đó, công thức lấy mỗi đơn vị một chữ ghép lại để thành tên mới là cách làm rất phổ biến ở nhiều địa phương. Cách này có vẻ dung hòa nhưng nếu không cân nhắc sẽ làm phai nhạt bản sắc. Ví dụ như huyện Diễn Châu rất độc đáo khi tất cả các xã đều có chữ “Diễn”, như các xã Diễn An, Diễn Bích, Diễn Cát, Diễn Đoài, Diễn Đồng, Diễn Hải, Diễn Hạnh, Diễn Hoa... Cái tên ở đây mang tính ký hiệu giải mã các truyền thống hình thành địa phương. Nếu sáp nhập thì cả hai đều có chung chữ “Diễn” thì không thể trở thành Diễn Diễn được. Giả sử sáp nhập Diễn Ngọc và Diễn Bích thì sẽ thành xã Ngọc Bích. Mỹ miều đấy nhưng tên này sẽ lẫn với các vùng miền khác, không còn tín hiệu xứ Diễn nữa.

Khu vực thủ đô, nhiều tên xã, phường gắn liền với những dấu tích lịch sử, văn hóa như Hà Hồi, Hòa Xá, Chàng Sơn, Cầu Dền, Quỳnh Lôi, Tích Giang… sẽ không còn trên bản đồ sau khi sáp nhập.

Ở Yên Bái, dự kiến sáp nhập xã Đào Thịnh và Việt Thành sẽ là Thịnh Thành. Người dân cũng cho rằng Đào Thịnh là nơi phát hiện "thạp đồng Đào Thịnh" có niên đại hàng nghìn năm, gắn liền với lịch sử, văn hóa đất nước.

Địa phương không cần xây dựng kho tên làm gì cho hại não, mất thì giờ. Nếu chỉ ghép tên đơn vị hành chính mới một cách cơ học, đơn giản sẽ có nguy cơ tạo ra những cái tên "vô hồn, vô cảm", thậm chí phản cảm. Theo GS.TS Bùi Xuân Đính thì “kho tên” có sẵn trong các tài liệu như “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ 19”, “Đồng Khánh địa dư chí”, “Tên làng xã và địa dư các tỉnh Bắc Kỳ”...

Cái tên được bồi đắp những giá trị tinh thần truyền đời. Giữ được cái tên vừa đỡ tốn kém về hành chính, vừa có sẵn “thương hiệu” để thu hút du lịch, phát triển kinh tế địa phương. Mất tên có thể sẽ mất cả tiền.

Một bài hát rất hay của nhạc sĩ Mộng Lân có đoạn: “Đây tên sông, tên núi, tên làng miền Nam, mỗi tên là một chiến công. Đây tên sông, tên núi, tên làng Việt Nam, mỗi tên là một Điện Biên”.

Xem thêm: Chiến thắng Tu Vũ – bản hùng ca bất tử

Chỉ những cái tên địa danh đã kết nối con tim, tự hào lịch sử. Những điều võ công hiển hách, công đức đáng tự hào đều phải được lưu danh bởi danh là ký hiệu tinh gọn và đầy đủ nhất để truyền tới tương lai. Đất nước ta mỗi viên gạch, cung đường, tảng đá cũng trầm tích giá trị tinh thần. Việc hợp lý hóa hành chính là tích cực nhưng không nên nóng vội mà cần “đánh chậm tiến chắc”. Cần xin ý kiến nhân dân địa phương, các nhà nghiên cứu để tên cho địa phương sáp nhập không đứt gãy với niềm tự hào truyền thống. Địa lý có tách nhập thì tổng diện tích không đổi nhưng địa danh tách nhập không tính kỹ sẽ tổn thất không đo đếm được. Chuyện thương hiệu nói mãi rồi. Làm thương hiệu không dễ như đánh cờ, cứ xóa bài chơi ván mới.

Tả Từ