Bình Dương hút khách nhờ đa dạng loại hình du lịch trải nghiệm

Chương trình nhạc nước biểu diễn trên sông Sài Gòn đoạn phố đi bộ Bạch Đằng, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương là điểm thu hút đông du khách. Ảnh: TTXVN phát

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, tỉnh Bình Dương đón hơn 150.000 lượt du khách. Doanh thu du lịch đạt 83 tỷ đồng (tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2023). Đây là một con số ấn tượng, đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch địa phương.

Không chỉ thu hút du khách nội địa, Bình Dương còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách quốc tế. Với 6.000 lượt du khách nước ngoài đến trải nghiệm tại Bình Dương trong dịp nghỉ lễ vừa qua đã chứng minh sức hút, sự đa dạng của các hoạt động, loại hình du lịch, trải nghiệm tại Bình Dương. Từ những khu du lịch lớn như Khu du lịch Đại Nam đến những khu du lịch nhỏ hơn như Khu du lịch Thủy Châu, mỗi nơi đều mang đến những trải nghiệm độc đáo và khó quên.

Xem thêm: Ban Trị sự Phật giáo TP.HCM và các đoàn viếng tang Ni trưởng Thích nữ Như Ý

Trong những ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua, du khách đến Bình Dương còn có cơ hội tham gia những hoạt động giải trí sôi động tại Công viên - phố đi bộ Bạch Đằng (thành phố Thủ Dầu Một); chiêm ngưỡng chương trình nhạc nước trên sông Sài Gòn kết hợp với hội chợ công nhân. Các hoạt động tạo nên không khí vui tươi, hấp dẫn, thu hút du khách đến thưởng ngoạn và trải nghiệm văn hóa đặc trưng của tỉnh.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin Thể thao thành phố Thủ Dầu Một Nguyễn Văn Phương cho biết, mỗi đêm trình diễn nhạc nước tại Công viên - phố đi bộ Bạch Đằng thu hút hơn 10.000 lượt khách đến vui chơi. Điều này đánh dấu một nét mới sôi động và hấp dẫn của thành phố trong năm nay.

Với không gian mở, âm nhạc sống động và hiệu ứng ánh sáng đẹp mắt, trình diễn nhạc nước không chỉ là điểm nhấn của đêm Thủ Dầu Một mà còn là địa điểm giải trí hấp dẫn cho du khách và người dân địa phương. Sự kết hợp giữa văn hóa, giải trí và du lịch tại phố đi bộ Bạch Đằng đang góp phần tạo ra những trải nghiệm độc đáo và khó quên trong lòng du khách gần xa.

Chị Nguyễn Thị Hồng Thắm, du khách đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, đến Bình Dương có rất nhiều món ăn ngon, nhiều địa điểm trải nghiệm. Tuy nhiên, theo chị Thắm các địa phương cần có thêm những không gian văn hóa, du lịch để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người dân và du khách. Đồng thời, việc xây dựng những không gian giúp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử đặc biệt của Bình Dương còn góp phần làm giàu thêm trải nghiệm du lịch cho du khách.

Bình Dương là tỉnh được bao bọc bởi các con sông chính như: Sông Sài Gòn, sông Bé và sông Đồng Nai. Đây là một trong những điểm mạnh để tỉnh có thể khai thác, phát triển du lịch đường sông nhờ hệ sinh thái đa dạng và phong phú cho du khách khám phá.

Bình Dương còn tự hào khi có nhiều di tích lịch sử và văn hóa độc đáo như làng nghề truyền thống, đền chùa, các di tích chiến tranh đang trở thành điểm đến hấp dẫn cho những ai yêu thích khám phá và tìm hiểu về lịch sử và văn hóa của đất nước…

Các chuyên gia khảo sát tour du lịch về Bình Dương đã chỉ ra rằng, việc khai thác du lịch tại những địa chỉ thu hút du khách của Bình Dương chưa xứng với tiềm năng vốn có.

Theo chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030, Bình Dương đặt mục tiêu xây dựng ngành du lịch thành trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, góp phần vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực liên quan, đồng thời đảm bảo an ninh, quốc phòng. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh xác định việc quản lý, khai thác và phát huy tiềm năng phát triển du lịch, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ trong quảng bá và xúc tiến du lịch là rất quan trọng. Đồng thời, hoạt động đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch cần được tăng cường để giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho người dân địa phương.

Phát triển du lịch cần đi đôi với việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư và thu hút du khách trong và ngoài nước. UBND tỉnh yêu cầu việc triển khai chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030 cần được thực hiện một cách đồng bộ, với sự chủ động và phối hợp của các sở, ban, ngành chức năng, cùng Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho lĩnh vực du lịch phát triển nhanh chóng và bền vững trong tương lai.

Xem thêm: Trải nghiệm leo núi hút khách du lịch đến Lai Châu

Mục tiêu phát triển du lịch phải được hài hòa với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cần được thực hiện đúng tiến độ và lộ trình đề ra. Tỉnh phấn đấu tăng trưởng bình quân khách đến tham quan và lưu trú khoảng 15% mỗi năm và tăng doanh thu theo tương tự.

Dương Chí Tưởng (TTXVN)